Cùng với chỉ tiêu GDP, CIEM cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 13,34%; thặng dư thương mại ở mức 5,1 tỷ USD; lạm phát bình quân sẽ khoảng 3,97%.
Trong một diễn biến khác, tại Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, năm 2018, trong 12 chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Trong đó, tăng trưởng GDP ở mức cao hơn tiềm năng trung hạn; quy mô nền kinh tế khoảng 240,5 tỷ USD; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm; quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao...
Những chuyển động tích cực của kinh tế vĩ mô diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước kể từ đầu năm đến nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang diễn biến phức tạp và chưa thấy điểm dừng.
Vì thế, làm thế nào để vững từ nội lực, từ đó nền kinh tế có thể giữ nhịp tăng trưởng trong chiến lược phát triển dài hạn, luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia, nhà quản lý, cũng như các đại biểu Quốc hội trên Nghị trường.
Nhìn sâu vào chất lượng tăng trưởng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tuy chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu; năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động có đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP năm 2018, nhưng đều có xu hướng giảm so với năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần chững lại; công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, ít dư địa phát triển.
Mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước…
Ðây là những thách thức không mới, nhưng cần có lời giải mới của Chính phủ để lái nền kinh tế vững tiến đi lên.
Thị trường chứng khoán vốn được ví như “phong vũ biểu” của nền kinh tế, nhưng hiện tại, VN-Index rơi về vùng 960 điểm, thấp hơn mức điểm về đích cuối năm 2017 của chỉ số này (984 điểm) cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp, vào triển vọng thị trường đang bị thử thách mạnh.
Liên quan đến thị trường chứng khoán, vốn được ví như “phong vũ biểu” của nền kinh tế, theo nguyên lý thông thường, khi kinh tế vĩ mô có kết quả hoặc những tín hiệu khởi sắc, chỉ số chứng khoán sẽ phản ánh lập tức hình ảnh này trên sàn.
Tuy nhiên, nỗi lo cho tương lai dài hạn và khả năng chống đỡ của doanh nghiệp Việt Nam trước những diễn biến bất thường của kinh tế thế giới đã lất át những cảm nhận tích cực của nhà đầu tư về kinh tế quý III, cũng như khả năng về đích vượt kế hoạch 2018.
Hiện tại, VN-Index rơi về vùng 960 điểm, thấp hơn mức điểm về đích cuối năm 2017 của chỉ số này (984 điểm) cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp, vào triển vọng thị trường đang bị thử thách mạnh và mối tương quan giữa diễn biến của nền kinh tế và thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tình trạng không có sự song hành.
Từ câu chuyện tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2017 (GDP tăng 6,81%, VN-Index tăng 47%), nghĩ về câu chuyện của năm 2018 khi GDP có khả năng tăng trưởng 6,88%, nhưng VN-Index lại “ỳ ạch” chuyển động ngược cho thấy, đầu tư chứng khoán quả thực là công việc khó, mà khó nhất là không thể dự báo được xu hướng thị trường.