Chứng khoán tuần mới: Xu hướng tăng sẽ tiếp diễn

Chứng khoán tuần mới: Xu hướng tăng sẽ tiếp diễn

(ĐTCK) Thị trường cổ phiếu toàn cầu có một tuần giao dịch khởi sắc. Trên thị trường Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ngày Thứ 5 ở mức 20,172 điểm, cao nhất trong lịch sử. 

Tương tự, S&P 500 và Nasdaq Composite cũng thiết lập đỉnh cao mới. Số liệu việc làm và lợi nhuận doanh nghiệp tích cực là cơ sở cho mức điểm hiện tại.

Trong cuộc họp ngày thứ 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, trong vòng 2-3 tuần tới, kế hoạch chi tiết về chính sách thuế mới sẽ được đưa ra và có những thay đổi rất lớn. Ở thời điểm hiện tại, những thay đổi trong chính sách thuế, luật và chi tiêu dành cho xây dựng hạ tầng đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư, cũng như các doanh nghiệp Mỹ.

Ðiểm chung của “sóng tăng” hiện tại là chậm và kéo dài về thời gian, nên chiến lược nắm giữ tỏ ra hiệu quả hơn so với giao dịch ngắn hạn.

Nhóm ngành công nghệ đang dẫn đầu xu hướng tăng giá trên thị trường này, kế tiếp là nhóm hàng hóa thiết yếu, hàng hóa lâu bền và vật liệu cơ bản. Cổ phiếu tài chính tăng giá mạnh trong “sóng tăng” đầu tiên đang tạm thời đứng giá và tích lũy.

Không chỉ thị trường chứng khoán Mỹ, các thị trường của khu vực châu Á cũng tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite  của Thượng Hải và Hang Seng của Hồng Kông duy trì mạch tăng từ đầu năm 2017 đến nay, sau khi số liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng tích cực hơn kỳ vọng trong tháng 1 vừa qua. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản không biến động, dù đồng Yên giảm giá so với đồng đô-la Mỹ. Thị trường Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng giao dịch trong tâm lý lạc quan.

Tuy nhiên, sự lo ngại vẫn hiện diện ở châu Âu, nơi khủng hoảng nợ đang nhen nhóm trở lại với Hy Lạp. Trong khi đó, Đức vẫn giữ quan điểm từ chối cắt giảm nợ cho quốc gia này. Sự lo lắng đã đẩy lợi suất trái phiếu Hy Lạp kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên 8%.

Tuần qua, thị trường tương lai các loại hàng hóa cũng đồng loạt tăng giá. Các loại hàng hóa nông nghiệp như lúa mỳ, bắp, bông và đường tiếp tục tăng nhẹ, duy trì xu hướng tăng kể từ đầu năm 2017. Giá dầu thô Brent trở lại mức 56 USD/thùng sau khi điều chỉnh nhẹ trong tuần trước. Bất chấp số liệu tồn kho của Mỹ khá cao, giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu năng lượng tăng lên sẽ giúp lượng dầu tồn kho giảm mạnh. Giá quặng sắt cũng chạm mức cao nhất của 2 năm qua, trong khi các kim loại công nghiệp như đồng, nhôm và niken ở trạng thái đứng giá.

Giá hàng hóa tăng, xét trong bối cảnh USD tăng cho thấy, lạm phát sẽ tăng. Tuy nhiên, điều này không có gì đáng ngại, bởi theo quan sát của chúng tôi, giá hàng hóa tăng cùng với giá cổ phiếu là dấu hiệu cho thấy kinh tế đang trong đà tăng trưởng.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, theo cách nhìn về xu hướng của chúng tôi, tuần qua cũng là tuần giao dịch tích cực. Chỉ số VN-Index tăng nhẹ, trong khi thanh khoản đạt mức cao nhất trong 3 tháng gần nhất. Điều này cho thấy, nhiều cổ phiếu đã bứt phá để xác lập xu hướng mới với thanh khoản đột biến.

Về phân lớp cổ phiếu, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung có một tuần đứng giá, nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao cho thấy có dòng tiền chốt lời, tuy nhiên không xảy ra tình trạng phân phối.

Điểm đáng chú ý nhất trong tuần qua là sự bứt phá thanh khoản của các nhóm cổ phiếu thép, phân đạm, dầu khí, cao su tự nhiên và các cổ phiếu như REE, HCM, SSI, GMD, VCG... Mức độ lan tỏa là khá rộng, nên chúng tôi cho rằng, xu hướng tăng sẽ tiếp diễn trong tuần giao dịch này.

Điểm chung của “sóng tăng” hiện tại là chậm và kéo dài về thời gian, nên chiến lược nắm giữ tỏ ra hiệu quả hơn so với giao dịch ngắn hạn. Tuy vậy, sự kiên nhẫn chỉ có thành quả đối với các cổ phiếu có xu hướng tăng dài hạn, trong khi vẫn có những cổ phiếu rơi vào khủng hoảng trong xu hướng tăng chung của thị trường và nhà đầu tư ngắn hạn nên tránh những cổ phiếu này. Chúng tôi tiếp tục giữ và tăng trạng thái với cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép.

Tin bài liên quan