Chứng khoán Mỹ thường yếu hơn khi thị trường Trung Quốc lao dốc.

Chứng khoán Mỹ thường yếu hơn khi thị trường Trung Quốc lao dốc.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, Mỹ nên lo ngại

(ĐTCK) Câu chuyện ấn tượng nhất ngành tài chính năm 2018 cho tới nay là việc thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất hơn 30% giá trị so với đầu năm. Tuy nhiên, có một vấn đề mà ít người chú ý tới, đó là mối nguy cơ chứng khoán Mỹ phải đối mặt trong bối cảnh chứng khoán Trung Quốc lao dốc như hiện nay.

Chứng khoán Mỹ không “vô can”

Chỉ số Shanghai Composite đang ở mức thấp nhất 4 năm qua và đà giảm chưa có dấu hiệu sẽ ngừng lại. Tính chung, chứng khoán Trung Quốc đã giảm 12% riêng trong tháng 10 và giảm hơn 30% so với tháng 1/2018.

Dẫu vậy, các nhà đầu tư Mỹ cảm thấy “không có liên quan” với những mất mát mà giới đầu tư tại thị trường Đại lục đang phải gánh chịu, bởi chỉ số S&P 500 vẫn giữ được mức tăng 4,5% kể từ đầu năm tới nay.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của CNBC sử dụng các công cụ Kensho đã chỉ ra rằng, thị trường chứng khoán Mỹ thường yếu hơn khi chứng khoán Trung Quốc trong đà lao dốc.

Trong lịch sử 10 năm qua, khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm hơn 10% hoặc giảm liên tiếp trong giai đoạn hơn 30 ngày, chỉ có 30% khoảng thời gian chứng khoán Mỹ giữ được xu hướng tăng và các chỉ số chứng khoán trung bình đều giảm mạnh.

Ví dụ, chỉ số S&P 500 giảm trung bình 4,8% khi chứng khoán Trung Quốc giảm hơn 10% và chỉ số Nasdaq thậm chí còn giảm mạnh hơn, vào khoảng 5,3%.

Không riêng chỉ số chung, một số cổ phiếu lớn nhất định có diễn biến nhạy cảm hơn nữa đối với tình hình tại thị trường chứng khoán Đại lục.

Cụ thể, khi chứng khoán Trung Quốc giảm trong giai đoạn hơn 30 ngày, cổ phiếu Goldman Sachs giảm giá trung bình khoảng 10,6%. Caterpilla, doanh nghiệp Mỹ thuộc Top Fortune 100, vốn có mối quan hệ mật thiết với thị trường Trung Quốc, cũng chứng kiến cổ phiếu giảm giá trung bình khoảng 7,9% trong giai đoạn chứng khoán Trung Quốc đi xuống. Con số này với tập đoàn dược phẩm DuPont là 9,3%.

Nếu xét theo lĩnh vực, cổ phiếu của nhóm công ty sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa giảm giá trong 84% thời gian thị trường chứng khoán xuống dốc. Trung bình, chỉ số SPDR lĩnh vực nguyên vật liệu có chọn lọc giảm 7,8%, trong khi chỉ số đối với ngành tài chính giảm trung bình 6,4% và lĩnh vực năng lượng giảm 7%. 

Mối lo các khoản nợ

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chiến tranh thương mại sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. JPMorgan trong báo cáo đầu tháng 10 nhận định, chiến tranh thương mại có thể khiến tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm 1%.

Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường chứng khoán Đại lục hiện tại, khi đà bán tháo diễn ra ồ ạt, các chuyên gia cùng chung nhận định, vấn đề xuất phát từ nội tại.

Tại Trung Quốc, hàng trăm công ty niêm yết đang sử dụng cổ phiếu của mình để ký quỹ cho các khoản nợ. Khi giá cổ phiếu giảm, doanh nghiệp buộc phải bán ra cổ phiếu nhằm duy trì mức cân bằng trong tài khoản tại các công ty môi giới, vốn được sử dụng để vay tiền.

Theo Bloomberg, có khoảng 4,18 nghìn tỷ nhân dân tệ (603 tỷ USD) cổ phiếu đang bị chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn cầm cố để vay nợ, chiếm khoảng 11% vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post trích dẫn báo cáo từ Công ty Chứng khoán Tianfeng cho biết, cổ phiếu của hơn 600 doanh nghiệp đã rơi xuống mức buộc phải bán ra.

“Đó là một vòng tròn luẩn quẩn, cổ phiếu giảm dẫn tới phải bán ra và việc bán ra càng khiến cổ phiếu lao dốc. Tình trạng lao dốc hiện tại, đặc biệt tại các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, có nguyên nhân từ tình trạng cầm cố cổ phiếu với tỷ lệ cao của doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay”, Wang Zheng, trưởng bộ phận đầu tư của Jingxi Investment Management cho biết.

Với nhiều những vấn đề khó có thể tháo gỡ trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến ảm đảm trong thời gian tới. Và khi đó, nhà đầu tư Mỹ sẽ bắt đầu cảm thấy mình không hề vô can, khi chứng khoán Mỹ có phản ứng với diễn biến này.

Tin bài liên quan