Dù tuần đầu tiên của tháng 10, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đóng cửa nghỉ lễ, nhưng chỉ số Shanghai Composite vẫn lao dốc tới 9,6% trong thời gian từ đầu tháng tới nay.
Hơn 1.000 cổ phiếu niêm yết trên sàn giảm giá tới mức tối đa 10% trong ngày ít nhất 1 lần trong tháng. Các nhà đầu tư Đại lục đã bán ra hơn 18 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD) các chứng khoán thông qua mối liên kết 2 sàn giao dịch Thượng Hải – Hồng Kông trong tháng này.
Không riêng chứng khoán Trung Quốc phải trải qua những ngày lao đao trong tháng 10, nhưng đà giảm mạnh của thị trường này vẫn ấn tượng hơn hẳn so với mức giảm 7,5% của chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi và Nasdaq Composite.
Chưa kể, kể từ đầu năm tới nay, Shanghai Composite đã giảm tới 22,9%, so với mức giảm 16,2% của MSCI các thị trường mới nổi và đà tăng 12% của Nasdaq. Với việc giá cổ phiếu giảm sâu, hiện tại, Shanghai Composite đang ở mức thấp nhất 4 năm qua và đã quay trở lại mức đáy năm 2006.
Trong bối cảnh này, đã không ít ý kiến lên tiếng kêu gọi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiến hành bơm tiền vào nhằm hỗ trợ thị trường.
Giới truyền thông trong nước cũng đưa tin, chính quyền các địa phương như Bắc Kinh, Thẩm Quyến và nhiều thành phố khác đã phân bổ hàng tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ chứng khoán của các công ty trong khu vực.
Cuối tuần trước, Liu Shiyu, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc cam kết rằng, nhà quản lý sẽ có biện pháp bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trên thị trường bằng biện pháp mở cửa và minh bạch hóa thị trường hơn nữa.
Tuy nhiên, nhà đầu tư Đại lục không dễ bị thuyết phục, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ bằng cổ phiếu ngày càng chất chồng tại các nhà băng, nền kinh tế được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và đồng nhân dân tệ đang mất giá mạnh so với USD.
Trong đó, vấn đề đáng ngại nhất là tình trạng nợ tại các thị trường tài chính Trung Quốc. Louis Lau, Giám đốc đầu tư tại Brandes Investment Partners cho biết, sau giai đoạn khủng hoảng, Trung Quốc đã chi hàng nghìn tỷ USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng GDP, khiến tỷ lệ nợ/GDP đã đạt 260%.
Cùng với đó, các khoản nợ xấu, nhiều khả năng mất vốn sẽ đạt mức đỉnh 476 tỷ USD vào năm 2020. Con số này chưa kể khoảng 20 nghìn tỷ USD các khoản nợ tại thị trường ngân hàng ngầm vẫn chưa được kiểm soát.
Hãng xếp hạng toàn cầu S&P Global cũng vừa khiến không ít người giật mình khi ước tính, các khoản nợ cổ phiếu, sử dụng đòn bẩy tài chính tại thị trường Trung Quốc hiện đã đạt tới 40 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Hiện tại, không có giải pháp ngắn hạn nào có thể gỡ bỏ các vấn đề tại thị trường Đại lục. Hỗ trợ từ nhà quản lý chỉ có thể phần nào trấn an giới đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề khác của Trung Quốc, khi dòng tiền đã được đổ quá nhiều vào các dự án không có hiệu quả, khiến chỉ số nợ của doanh nghiệp ngày càng tăng lên.