Sức ép tỷ giá
Tỷ giá USD/VND duy trì ổn định trong giai đoạn nửa đầu năm 2023 khi nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam được cải thiện đáng kể, nhờ xuất siêu hàng hóa ở mức cao và sự phục hồi doanh thu từ khách du lịch quốc tế, cũng như kiều hối. Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ tích trữ USD trên thị trường hạ nhiệt, khi ngay từ đầu năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm tốc độ nâng lãi suất xuống chỉ còn 0,25%/năm trong mỗi kỳ họp, báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.
Tuy nhiên, sức ép lên tỷ giá gia tăng từ tháng 6, sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành, với 4 lần trong tháng 3, 4, 5 và 6. Chính sách tiền tệ ngược chiều giữa Việt Nam và Mỹ, cộng thêm thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu, khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng nới rộng.
Trước đây, lãi suất vay VND trên thị trường liên ngân hàng thường xuyên cao hơn lãi suất vay USD, nhưng kể từ giữa tháng 6/2023 có diễn biến đảo ngược. Hiện tại, lãi suất vay VND qua đêm chỉ quanh mức 0,2%/năm, trong khi lãi suất vay USD vượt mức 5%/năm. Tình trạng này đã kích thích hoạt động găm giữ và đầu cơ USD.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc ngày càng bộc lộ bất ổn và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ có xu hướng tăng nhanh đã làm suy yếu dòng vốn đầu tư nước ngoài, phần nào gây thêm áp lực lên tỷ giá. Tính từ cuối tháng 5/2023 tới nay, VND đã mất giá 2% so với USD, trong đó riêng 3 tuần đầu tháng 8 mất giá 1,2%.
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng và lãi suất USD qua đêm. |
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ giá tăng mạnh thời gian gần đây là do nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu tăng nhanh. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nửa đầu tháng 8 tăng 6,2% so với nửa đầu tháng 7. Đây là mức tăng trưởng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3/2023, được dẫn dắt chủ yếu bởi tăng nhập khẩu các mặt hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại và linh kiện với mức tăng hơn 40%.
Áp lực tỷ giá, theo đánh giá của VCBF là vẫn còn, nhưng sẽ sớm hạ nhiệt và nhiều khả năng kết thúc năm 2023, VND chỉ mất giá trong khoảng 2 - 2,5%, vì hoạt động nhập khẩu gia tăng chủ yếu đến từ nhóm hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp.
Với triển vọng kinh tế Mỹ và châu Âu được đánh giá khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023, cộng thêm yếu tố mùa vụ khi thế giới bước vào mùa mua sắm cuối năm, đơn hàng xuất khẩu đang được cải thiện, đồng nghĩa xuất khẩu sẽ tăng tốc trong thời gian tới và Việt Nam duy trì được thặng dư thương mại.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Tuấn Anh, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, tỷ giá có thể tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2023, nhưng ở trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và sẽ khó quay lại ngưỡng lịch sử tháng 9 - 10/2022.
Lý do là ở thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối ổn định, dòng tiền ngoại hối, xuất siêu tích cực là nguồn lực hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành và ổn định tỷ giá. Đồng thời, lượng cung tiền VND đang dồi dào ở thị trường 2, hệ thống ngân hàng không gặp tình trạng thiếu thanh khoản như cuối năm ngoái, nên Ngân hàng Nhà nước có dư địa để bơm - hút VND nếu tỷ giá trở nên căng thẳng.
Bên cạnh đó, độ mở của nền kinh tế cao hơn, Việt Nam đang ưu tiên thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và duy trì xuất siêu nhằm phục hồi kinh tế. Do vậy, kiềm chế và giữ tỷ giá ở mức ổn định sẽ là liều thuốc trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có cả nhóm doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, một số thương vụ bán vốn lớn dự kiến sẽ được triển khai sẽ gia tăng nguồn cung USD.
Ước tính, Ngân hàng Nhà nước còn dư địa khoảng 2 - 2,5% trước khi tỷ giá tiến vào vùng căng thẳng. Hiện tại, tỷ giá mua vào đang ở ngưỡng 23.600 đồng/USD và bán ra quanh ngưỡng 23.900 đồng/USD. Dư địa này đủ rộng để Ngân hàng Nhà nước yên tâm về tỷ giá để tiếp tục thực hiện các chính sách vĩ mô, nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế.
Chênh lệch lãi suất USD-VND sẽ dần thu hẹp khi tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh những tháng cuối năm, trong bối cảnh sản xuất dần phục hồi và các các vấn đề của thị trường bất động sản đang được tháo gỡ. Điều này cùng với khả năng Mỹ sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong kỳ họp vào tháng 9 tới của Fed sẽ làm suy yếu tâm lý đầu cơ ngoại tệ.
Tác động đến thị trường chứng khoán
Nhìn lại năm 2022, tỷ giá USD/VND biến động mạnh, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 8 - 11/2022, đỉnh điểm là tháng 9 - 10/20222, VND mất giá hơn 4%. Để hỗ trợ tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã bán một lượng lớn USD, tương ứng rút gần 500.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống, dẫn tới thanh khoản thị trường sụt giảm. Bên cạnh đó, nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành 2 lần vào tháng 9 và 10/2023, với tổng mức tăng 2%.
Chính 2 động thái này đã gây ra tác động kép, khiến mặt bằng lãi suất trong nước tăng mạnh. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt, nhiều doanh nghiệp đối mặt với rủi ro thanh khoản do không thể tái tài trợ các khoản vay sắp đáo hạn. Áp lực dòng tiền và tâm lý phòng thủ khi vĩ mô bất ổn khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu.
Giai đoạn hiện tại, ông Nguyễn Hoàng Linh nhìn nhận, áp lực lên tỷ giá là có, nhưng thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và mặt bằng lãi suất đang theo xu hướng giảm. Cân đối vĩ mô của Việt Nam cũng tốt hơn nhiều so với năm 2022, khi rủi ro lạm phát không còn là mối quan ngại lớn, trong khi sản xuất và tiêu dùng đang có tín hiệu phục hồi. Hơn nữa, nhịp điều chỉnh của thị trường chứng khoán vừa qua do nhiều yếu tố, trong đó có tỷ giá, nhưng mấu chốt vẫn đến từ tâm lý bất ổn của nhà đầu tư.
Thực tế, tỷ giá tăng mạnh trong tháng 8/2023, nhưng được nhìn nhận chưa có tính đột biến và trong tầm kiểm soát, do vậy các chính sách nới lỏng tiền tệ có thể tiếp tục được triển khai. Dòng tiền nội tệ sẽ được đẩy ra thị trường, nền kinh tế được hỗ trợ hồi phục, nên sẽ áp lực tỷ giá không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán vẫn có khả năng tăng điểm trong những tháng cuối năm, nhóm cổ phiếu xuất khẩu như thủy sản, dệt may, gỗ, lương thực… đáng quan tâm đầu tư (hưởng lợi từ tỷ giá tăng).
Trong tình huống xấu, khi tỷ giá tiến vào vùng căng thẳng hoặc gia tăng đột biến do thiếu thanh khoản hệ thống, tình hình vĩ mô quốc tế xoay chuyển bất ngờ khiến chính sách tiền tệ nới lỏng bị tạm dừng hoặc đảo chiều, đây sẽ là điều kiện xấu cho thị trường chứng khoán. Lịch sử cho thấy, mỗi khi lãi suất tăng để ổn định tỷ giá, thị trường chứng khoán thường có xu hướng giảm mạnh.
Dù vậy, nếu chỉ xét ảnh hưởng của tỷ giá đến thị trường chứng khoán thì việc VND giảm giá sẽ có tác động trái chiều với từng ngành có liên quan trực tiếp. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu và có nguồn vay ngoại tệ lại bất lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp hưởng lợi hay gặp bất lợi cũng phải đặt trong bối cảnh tỷ giá biến động trong tầm kiểm soát.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV cho rằng, nếu tỷ giá biến động mạnh, qua đó thu hẹp dư địa và đảo chiều chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Khi đó, tỷ giá sẽ gây áp lực đến lạm phát từ hàng hóa nhập khẩu tăng giá, sự đảo chiều và rút ra của dòng vốn đầu tư, tạo hiệu ứng đầu cơ tích lũy ngoại tệ… kéo theo sự đảo chiều chính sách tiền tệ. Điều này đã từng xảy ra vào tháng 10/2022.
Xét trong bối cảnh hiện tại, rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu khi chênh lệch lãi suất giữa USD và VND nới rộng, nhưng VND giảm giá thời gian qua phù hợp với diễn biến thế giới và vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Việc thị trường chứng khoán điều chỉnh khi có yếu tố tiêu cực, trong đó có yếu tố tỷ giá là sự điều chỉnh phù hợp trong ngắn hạn.
“Ảnh hưởng tỷ giá đến thị trường chứng khoán chỉ trong ngắn hạn và khi yếu tố tỷ giá và các yếu tố tiêu cực khác đi qua, thị trường sẽ sớm hồi phục theo vận động chu kỳ”, ông Bùi Nguyên Khoa nói.