Kinh tế thị trường phản ánh rõ nét bằng quan hệ cung - cầu về hàng hoá. Điều đó, nếu nhìn bằng góc nhìn kinh tế học và đánh giá bằng chỉ số này hay chỉ số kia thì có vẻ cao siêu nhưng xét kỹ lại thì nó chẳng khác là bao một trò chơi của trẻ con vào cái thời bao cấp trước đây.
Đó là trò chơi “đô la”. Ngày đó (những năm cuối của thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước), trẻ con lúc bấy giờ đâu có nhiều trò giải trí như bây giờ và thế là trò chơi “đô la” đã thu hút rất nhiều trẻ em ở các khu phố. Để chơi được trò này thì bọn trẻ phải đi lượm từng tờ vé số người mua không trúng bỏ đi (thời gian đó vé số cũng còn hiếm), rồi về gấp lại thành hình tam giác… để chơi.
Những hình tam giác gấp bằng vé số bỏ đi đó được mang ra chơi các trò như: tú lơ khơ ăn “đô la” hay quăng dép (lia dép) - những người chơi bỏ một số “đô la” nhất định nào đó vào vòng tròn vẽ sẵn và lần lượt lia dép vào “đô la” trong vòng tròn. Những “đô la” nào văng ra khỏi vòng thì người chơi được nhận.
Trong cuộc chơi đó sẽ có người được, người thua. Người thua muốn chơi tiếp thì phải bỏ tiền thật ra mua “đô la” và giá cả do hai bên định đoạt. Như vậy, quan hệ cung - cầu xuất hiện. Và tờ vé số bỏ đi thậm chí cũ nát đã có giá trị bằng… tiền thật khi quy đổi.
Nền kinh tế thị trường ra đời, xã hội phát triển và những trò chơi trẻ con ngày đó không còn hấp dẫn. Tờ vé số bị bỏ đi cũng không còn hiếm như trước, quan hệ cung - cầu không còn và thế là thị trường “đô la”… đi vào quá khứ.
Liên tưởng đến TTCK ngày nay, giá cứ tăng tăng, giảm giảm. Nhiều người đổ lỗi rằng tâm lý nhà đầu tư không vững, nhưng thật ra cái tâm lý đó, nó chính là quyết định của tất cả mọi người trong cuộc sống chứ đâu riêng gì chứng khoán.
Khi VN-Index xuống 900, 800, 700 điểm… và hiện nay mốc 400 điểm cũng không còn. Vẫn có người bảo: nhà đầu tư nên “yên tâm” chuyển sang đầu tư dài hạn. Nhưng “yên tâm” sao nổi, khi cứ 10h30 mỗi ngày qua đi là túi tiền của họ… vơi đi trông thấy và những khoản nợ đến hạn không thể không trả (đôi khi sợ cả tiếng… chuông điện thoại).
Nếu mọi người đều đầu tư dài hạn, không ai bán và thế là không ai mua được, như vậy đâu còn là thị trường? Ngược lại như hiện nay, tất cả cùng bán, vậy lấy ai để mua? Tất nhiên, trừ những kẻ “xỏ xiên”, ngồi rình cho đến lúc gần hết giờ khớp lệnh mới tung ra một lệnh mua vài lô cổ phiếu giá sàn để rồi hể hả rằng, “vài đồng làm vơi đi hàng chục tỷ”!
Khi tôi - anh cùng chấp nhận tờ giấy (chứng khoán) đó có giá thì nó đương nhiên sẽ có giá. Còn nếu tôi và anh “lệch pha” về cung - cầu, không đồng quan điểm về giá trị của “tờ giấy” đó thì nó chỉ là tờ giấy mà thôi.
Cung - cầu phản ánh sức khỏe của thị trường và không ai khác nó được quyết định giữa tôi và anh. Ngày mai “lên sàn”, tôi - anh cùng chơi lại trò chơi trẻ con ngày trước: anh bảo tờ giấy (chứng khoán) đó có giá trị và tôi cũng đồng ý rằng, nó có giá và giao dịch thành công. Giá mà tôi và anh cùng chấp nhận ngày mai cao hơn giá ngày hôm nay và ngày kia, ngày kìa… nữa thì thị trường lại bắt đầu một thời kỳ hoàng kim mới.