Chứng khoán Mỹ tiếp tục lình xình trong phiên thứ Ba. Mở đầu phiên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều có đà tăng tốt khi sự sợ hãi của phố Wall xuống mức thấp nhất 11 năm sau kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.
Tuy nhiên, việc giá dầu giảm mạnh trở lại đã khiến các chỉ số lần lượt quay đầu, trong đó Dow Jones tiếp tục có phiên giảm điểm, S&P 500 cũng rút lui từ mức cao lịch sử, chỉ còn Nasadaq duy trì đà tăng để lên mức cao mới.
Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Dow Jones giảm 36,50 điểm (-0,17%), xuống 20.975,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,46 điểm (-0,10%), xuống 2.396,92 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,93 điểm (+0,29%), xuống 6.120,59 điểm.
Trái ngược với chứng khoán Mỹ, việc đồng euro giảm trở lại so với đồng USD và kết quả kinh doanh khởi sắc của một số doanh nghiệp vừa công bố giúp chứng khoán châu Âu đảo chiều tăng trở lại, trong đó chỉ số chung của thị trường này lên mức cao nhất 21 tháng. Các chỉ số chính cũng đều tăng điểm tốt, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần, ngoại trừ chứng khoán Pháp tăng khiêm tốn hơn chút ít.
Kết thúc phiên 9/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 41,35 điểm (+0,57%), tăng 7.342,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 54,57 điểm (+0,43%), lên 12.749,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,05 điểm (+0,28%), lên 5.398,01 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi leo lên mức cao nhất 17 tháng phiên đầu tuần nhờ phản ứng tích cực với kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, chứng khoán Nhật Bản đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông vẫn duy trì đà tăng, thậm chí đà tăng còn mạnh hơn nhiều phiên đầu tuần và lên mức cao nhất 21 tháng nhờ nhóm cổ phiếu tài nguyên và dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục thông qua sự kết nối sàn Thượng Hải - Hồng Kông.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng hồi nhẹ trở lại sau 5 phiên giảm liên tiếp do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 52,70 điểm (-0,26%), xuống 19.843,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 311,12 điểm (+1,27%), lên 24.889,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,91 điểm (+0,06%), lên 3.080,53 điểm.
Trên thị trường vàng, đà giảm của giá kim loại quý này chưa có dấu hiệu dừng lại sau 2 tuần giảm trước đó. Trong phiên thứ Ba, giá vàng tiếp tục nới đà giảm và đang xuống ngưỡng gần 1.220 USD/ounce khi các rủi ro về bất ổn địa chính trị giảm bớt, trong khi khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 rất cao, ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến của giá vàng.
Kết thúc phiên 9/5, giá vàng giao ngay giảm 4,9 USD (-0,40%), xuống 1.222,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 11 USD (-0,9%), xuống 1.216,1 USD/ounce.
Giá dầu thô nhanh chóng giảm trở lại trong phiên thứ Ba một ngày trước cuộc họp của OPEC bàn về kế hoạch cắt giảm sản lượng tiếp theo. Sức ép từ kho dự trữ của Mỹ tăng liên tục thời gian qua khiến giới đầu tư tỏ ra thận trong trước cuộc họp của OPEC để xem liệu tổ chức này có gia tăng thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Kết thúc phiên 9/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,55 USD/thùng (-1,20%), xuống 45,88 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,61 USD (-1,25%), xuống 48,73 USD/thùng.