Cụ thể, tổng doanh thu của HSC đạt 1.290 tỷ đồng, tương đương năm trước; lợi nhuận sau thuế 675 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2017, thấp hơn kế hoạch 819 tỷ đồng.
Lý do không đạt kế hoạch kinh doanh, theo HSC, vì thị trường chứng khoán trong năm qua giảm 9% và độ lớn thị trường chỉ bằng 80% kế hoạch kỳ vọng. Giá trị giao dịch trung bình phiên tăng 30% so với năm 2017, đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, nhưng giao dịch cao tập trung vào 4 tháng đầu năm, trung bình khoảng 8000 - 9.000 tỷ đồng/phiên và giảm dần. Kế hoạch của HSC xây dựng trên giả định thị trường giao dịch bình quân 8.000 tỷ đồng/phiên.
Trong cơ cấu doanh thu 2018, thu phí môi giới chiếm 45%; lãi margin chiếm 31%; hoạt động tư vấn và các hoạt động khác chiếm tỷ trọng còn lại. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 23,1%, tăng so với mức 21,4% của năm trước.
Đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của HSC năm 2018 là thị trường phái sinh. Phí môi giới thị trường phái sinh và tự doanh ở thị trường phái sinh đóng góp khoảng 100 tỷ đồng doanh thu cho HSC. Ông Lâm Hữu Hổ, Giám đốc tài chính HSC chia sẻ: “Lúc HSC lập kế hoạch không nghĩ thị trường phái sinh phát triển nhanh đến vậy, thị trường tăng 3 lần so với dự báo của HSC”.
Thị phần môi giới của HSC năm 2018 là 11,4%, tương đương năm 2017 và gần với kỳ vọng của Ban điều hành đặt ra đầu năm.
Doanh thu hoạt động tự doanh của HSC có 129 tỷ đồng từ thị trường cổ phiếu; doanh thu từ giao dịch ETF chỉ có 4 tỷ đồng và không có lãi, chủ yếu thực hiện tạo lập thị trường; thị trường phái sinh đóng góp 45 tỷ đồng và trái phiếu doanh nghiệp là 8,1 tỷ đồng.
Hoạt động tự doanh đóng góp 16% lợi nhuận của HSC. Nhờ giao dịch mua bán chủ yếu trong 4 tháng đầu năm, sau đó đánh giá rủi ro, HSC giữ hoạt động tự doanh trên thị trường cơ sở ở mức rất thấp nên kết quả kinh doanh chung của Công ty được ổn định. Đáng lưu ý, cũng từ hoạt động quản lý rủi ro, HSC đã giảm số mã cho vay margin từ gần 300 mã xuống hơn 100 mã, trong đó chỉ có một nửa là cho vay tối đa theo tỷ lệ, còn lại tỷ lệ margin thấp.