Chứng khoán toàn cầu thoát hiểm trong phiên đầu năm

Chứng khoán toàn cầu thoát hiểm trong phiên đầu năm

(ĐTCK) Giảm mạnh vì nỗi lo kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhưng chứng khoán Âu, Mỹ đã kịp trở lại để có phiên tăng nhẹ khi chốt phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2019.

Lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới sau dữ liệu kinh tế mờ nhạt của Trung Quốc được công bố, phố Wall mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm mới trong sắc đỏ. Các chỉ số chính của phố Wall còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc Apple cắt giảm dự báo doanh số do tiêu thụ iPhone tại Trung Quốc chậm lại. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 1 năm cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch đầu năm mới.

Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, các chỉ số chính của phố Wall đã đảo chiều hồi phục và kịp đóng cửa với sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, bất động sản, tiện ích và tiêu dùng.

Kết thúc phiên 2/1, chỉ số Dow Jones tăng 18,78 điểm (+0,08%), lên 23.346,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,18 điểm (+0,13%), lên 2.510,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 30,66 điểm (+0,46%), lên 6.665,94 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu mở cửa phiên giao dịch đầu năm mới cũng lao mạnh do dữ liệu kinh tế Trung Quốc kém khả quan. Tuy nhiên, sau đó các chỉ số cũng đã kịp hồi phục để có sắc xanh nhạt khi chốt phiên đầu năm mới, ngoại trừ chứng khoán Pháp.

Kết thúc phiên 2/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 6,1 điểm (+0,09%), lên 6.734,23 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,23 điểm (+0,20%), lên 10.580,19 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 41,30 điểm (-0,87%), xuống 4.689,39 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản vẫn tiếp tục nghỉ giao dịch, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giảm mạnh ngay phiên đầu năm mới do dữ liệu kinh tế của Trung Quốc vừa công bố kém khả quan.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống 49,4 điểm vào tháng 12/2018. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất co lại.

Đây là lần đầu tiên PMI của Trung Quốc dưới 50 điểm kể từ tháng 7/2016 và cũng là thấp nhất gần 3 năm qua.

Kết thúc phiên 2/1, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,61 điểm (-1,15%), xuống 2.465,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 715,35 điểm (-2,77%), xuống 25.130,35 điểm.

Giá vàng mở đầu phiên giao dịch đầu năm mới tăng khá tốt do chứng khoán chao đảo, nhưng sau đó đã hạ nhiệt và đóng cửa gần như không đổi khi chứng khoán hồi phục.

Kết thúc phiên 2/1, giá vàng giao ngay tăng 2,1 USD (+0,16%), lên 1.284,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 0,6 USD (-0,05%), xuống 1.284,1 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô lại có phiên giao dịch đầu tiên của năm mới rất tích cực khi tăng hơn 2% bất chấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 2/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,13 USD (+2,5%), lên 46,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,11 USD (+2,1%), lên 54,91 USD/thùng.

Tin bài liên quan