Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên cuối tuần trước đã làm rung chuyển phố Wall ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới sau ngày nghỉ lễ lao động. Lệnh bán được đưa ra ồ ạt ngay khi thị trường mở cửa kéo các chỉ số giảm điểm và nới rộng dần đà giảm sau đó.
Về cuối phiên, nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô tăng mạnh, đà giảm của phố Wall mới được hãm bớt. Dù vậy, chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang lo lắng về cơn bão lớn mới sắp đổ bộ vào Mỹ có tên Irma. Đây là cơn bão được đánh giá ở mức độ nguy hiểm loại 5, có thể đổ bộ vào miền Nam của Mỹ vào cuối tuần này. Cơn bão Irma đổ bộ vào Mỹ chỉ ít ngày sau khi cơn bão Harvey tàn phá bang Texas, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Kết thúc phiên 5/9, chỉ số Dow Jones giảm 234,25 điểm (-1,07%), xuống 21.753,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,70 điểm (-0,76%), xuống 2.457,85 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 59,76 điểm (-0,93%), xuống 6.375,57 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Ba khi nhóm cổ phiếu tài chính giảm do lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 5/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm giảm 38,55 điểm (-0,52%), xuống 7.372,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,50 điểm (+0,18%), lên 12.123,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 17,41 điểm (-0,34%), xuống 5.086,56 điểm.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiền cũng khiến chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 1 tuần trong phiên thứ Ba. Chứng khoán Hồng Kông gần như không thay đổi trong phiên này khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước căng thẳng đang có chiều hướng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục nghỉ giao dịch ngày lễ Vu Lan.
Kết thúc phiên 5/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 122,44 điểm (-0,63%), xuống 19.385,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 1,09 điểm (+0,00%), lên 27.741,35 điểm.
Trong khi chứng khoán rung lắc mạnh bởi dư trấn của vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, thì vụ thử này đã tiếp năng lượng để giá vàng bay cao. Trong phiên thứ Ba, giá vàng tiếp tục tăng để lên mức cao nhất 11 tháng. Ngoài ra, việc đồng USD giảm mạnh trở lại và không còn xa mức thấp nhất 15 tháng cũng hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng.
Kết thúc phiên 5/9, giá vàng giao ngay tăng 5,6 USD/ounce (+0,42%), lên 1.339,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 5,1 USD/ounce (+0,38%), lên 1.344,5 USD/ounce.
Việc đồng USD xuống thấp nhất gần 15 tháng đã hỗ trợ cho các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có dầu thô. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô được dự báo không dài bởi nhu cầu dầu thô được dự báo sẽ giảm khi nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ đóng cửa do cơn bão Harvey chưa thể trở lại, trong khi cơn bão mạnh loại 5 Irma tiếp tục sắp đổ bộ.
Kết thúc phiên 5/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,37 USD/thùng (+2,82%), lên 48,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,63 USD (+1,18%), lên 53,38 USD/thùng.