Dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng S&P 500 đã trụ vững ở trên đường trung bình 14 ngày cho thấy vẫn còn những tín hiệu tích cực. Ngoài ra, vào thứ Tư tuần tới, Mỹ sẽ công bố số liệu GDP với dự báo tăng 3,2% trong quý vừa qua. Tuy nhiên, một số dự liệu mờ nhạt vừa công bố gần đây như doanh số bán nhà mới và đầu tư khiến giới đầu tư cũng thận trọng hơn với thị trường.
Kết thúc phiên 25/7, chỉ số Dow Jones giảm 123,23 điểm (-0,72%), xuống 16.960,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,64 điểm (-0,48%), xuống 1.978,34 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 22,54 điểm (-0,50%), xuống 4.449,56 điểm.
Trong tuần, Dow Jones giảm 0,82%, chỉ số S&P 500 tăng 0,01%, chỉ số Nasdaq tăng 0,39%.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên nhuộm đỏ cuối tuần do dữ liệu kinh tế yếu kém của Đức và sự sụt giảm của cổ phiếu nhóm ngành xa xỉ.
Ngoài ra, mối quan ngại về căng thẳng giữa Nga và Ukraine lại được nhóm lên khi Nga cáo buộc Ukraine nhắm bắn vào các cán bộ thực thi pháp luật của Nga gần biên giới với Ukraine, nới đang diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân đội Chính phủ Ukraine và quân ly khai ủng hộ liên bang hóa.
Trong khi đó, theo một khảo sát của IFO, tâm lý kinh doanh của Đức đã giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng trong tháng 7, khiến chỉ số DAX của chứng khoán Đức lao dốc trong phiên cuối tuần.
Không chỉ chứng khoán Đức, chứng khoán Pháp cũng lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần do bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu của hãng LV khi hãng thời trang cao cấp này công bố doanh thu, lợi nhuận quý II thấp hơn dự báo do doanh thu sụt giảm ở thị trường Trung Quốc.
Kết thúc phiên 25/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 29,91 điểm (-0,44%), xuống 6.791,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 150,05 điểm (-1,53%), xuống 9.644,01 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 80,10 điểm (-1,82%), xuống 4.330,55 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,62%, chỉ số DAX giảm 0,78%, chỉ số CAC 40 giảm 0,11%.
Trái ngược với chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á lại có phiên giao dịch cuối tuần đầy khởi sắc. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa phiên cuối tuần ở mức cao nhất 6 tháng nhờ ảnh hưởng từ việc S&P 500 lập đỉnh cao lịch sử trong phiên thứ Năm và kết quả kinh doanh của Fanuc Corp. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh nhờ dữ liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc được công bố trước đó, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông và Shanghai Composite tại Thượng Hải đều tăng hơn 3% trong tuần.
Kết thúc phiên 25/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 173,45 điểm (+1,13%), lên 15.457,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 74,51 điểm (+0,31%), lên 24.216,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 21,55 điểm (+1,02%), lên 2.126,61 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,59%, chỉ số Hang Seng tăng 3,25%, chỉ số Shanghai Composite tăng 3,28%.
Trái ngược với chứng khoán, giá vàng lại vụt tăng mạnh trong phiên cuối tuần khi lực mua trở lại sau phiên bán tự động hôm thứ Năm. Giới đầu tư sau những phiên thận trọng, đã trở lại với vàng sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine xuất hiện thêm căng thẳng mới.
Kết thúc phiên 25/7, giá vàng giao ngay tăng 14,4 USD (+1,11%), lên 1.308,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 12,5 USD (+0,97%), lên 1.303,3 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, giá vàng giao tháng 8 cũng giảm 0,47%.
Theo cuộc khảo sát của Kitco, trong số 22 chuyên gia, nhà môi giới và đại lý vàng uy tín trả lời trong tuần này, có 14 người dự báo giá vàng sẽ giảm trong tuần tới, 4 người dự báo giá sẽ đi lên và 4 người cho rằng, sẽ đi ngang.
Giá dầu thô tiếp tục tăng giá, đặc biệt là dầu thô Brent khi căng thẳng gia tăng ở biên giới Nga và Ukraine.
Kết thúc phiên 25/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,02 USD (+0,02%), lên 102,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,32 USD (+1,22%), lên 108,39 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 1,01%, giá dầu thô Brent tăng 1,07%.