Ảnh AFP

Ảnh AFP

Chứng khoán toàn cầu đang trải qua giai đoạn lạ kỳ

(ĐTCK) Ðêm 18, rạng sáng ngày 19/3, một dòng trạng thái được đăng trên một group Facebook, nơi quy tụ nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam thu hút sự chú ý với nội dung vỏn vẹn: “Ðêm nay, lại một đêm lạ kỳ”. 

Ðây là tâm trạng của nhà đầu tư đang thao thức theo dõi thị trường chứng khoán Mỹ vừa mở cửa phiên giao dịch mới và trong chốc lát chỉ số S&P 500 đã giảm tới ngưỡng 7%, kích hoạt việc ngừng giao dịch 15 phút.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones cắm đầu đi xuống, xoá sạch đà tăng của phiên khởi sắc trước đó. Diễn biến này sẽ có tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày tiếp theo và có lẽ nhiều nhà đầu tư lại có thêm một đêm khó ngủ.

Trong những phiên giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng, các thị trường trên toàn cầu nói chung đã cùng ngồi trên một chiếc tàu lượn, với những phiên lao dốc đầy hoảng loạn.

Giới chức Mỹ đã phải ngắt mạch thị trường 4 lần trong chưa đầy 2 tuần, bất chấp việc đã công bố nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước tác động từ dịch Covid-19. Trong 7 phiên liên tiếp tính tới hết ngày 17/3, chỉ số S&P 500 đều đóng cửa tăng hoặc giảm trên 4%, phá vỡ kỷ lục 6 phiên liên tiếp trong cuộc khủng hoảng tháng 11/1929.

Không riêng nhà đầu tư Việt Nam, ngay cả những nhà đầu tư kỳ cựu Phố Wall cũng đang trải qua khoảng thời gian kỳ lạ, khi mà tầm nhìn bị bóng tối bao phủ và phải mò mẫm dò đường.

Cuối tuần trước, một số nhà quản lý quỹ đầu tư lừng danh đã tụ họp nhân sự kiện do Goldman Sachs tổ chức, trong đó có John Paulson, người kiếm hàng tỷ USD trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008; David Einhorn, nhà đầu tư bật lên Top trên khi bong bóng dotcom vỡ tung…

Tuy nhiên, thay vì vẻ tự tin thường thấy, các nhà đầu tư này cố gắng góp nhặt những nhận định có được về đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, cuộc chiến giá dầu vừa bắt đầu và biến động dữ dội tại các thị trường tài chính.

Thẳng thắn mà nói, các tỷ phú, nhà quản lý quỹ đầu tư tại Phố Wall đều không thể lường trước diễn biến tệ đi nhanh như vậy.

Sự giàu có, danh tiếng và tự tin của dân tài chính Phố Wall được xây dựng nhờ khả năng thấu hiểu thị trường, dự báo chính xác và quản lý rủi ro tốt. Vậy nhưng, tất cả những yếu tố này đang trở nên mờ nhạt trong những phiên giao dịch gần đây. Giống như nhiều nhà đầu tư khác, những “tay chơi” kỳ cựu cũng phải mò mẫm tìm đường trong hỗn loạn.

“Tôi không nghĩ chuyện này sẽ xảy ra. Tôi cho rằng, mọi người sẽ bình tĩnh trở lại trong vài phiên và đa phần mọi người ở đây đều nghĩ vậy”, Marc Lasry, người đồng sáng lập hãng đầu tư Avenue Capital Group, đồng sở hữu Milwaukee Bucks nói.

Cùng chia sẻ nỗi hoang mang, Bill Daley, người phụ trách quản hệ chính phủ tại Wells Fargo, từng là người đứng đầu đội ngũ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cảm thán: “Chúng ta chưa bao giờ trải qua chuyện như thế này. Chúng ta chứng kiến nền kinh tế suy sụp năm 1929, 2008… nhưng câu chuyện hiện tại hoàn toàn khác biệt”.

Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ sẽ còn có thêm những phiên giao dịch “lạ kỳ”, nằm ngoài mọi dự báo.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc đưa mọi chuyện quay về mức bình thường không hề dễ dàng, nhưng không phải bất khả thi.

Có lẽ cần phải nhìn về nơi đại dịch bắt đầu để thấy rằng, với việc tập trung kiểm soát các yếu tố nền tảng, nhịp sống, cũng như câu chuyện kinh doanh sẽ sớm hồi phục.

Theo Bloomberg Economics ước tính, tỷ lệ quay trở lại làm việc tại Trung Quốc đã đạt khoảng 80 - 85% trong tuần kết thúc vào ngày 13/3.

Nền kinh tế Trung Quốc đã chịu thiệt hại nặng nề kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm 2019 cho tới nay, tuy nhiên, theo Wang Tao, nhà kinh tế trưởng thị trường Trung Quốc tại UBS Group AG, đối với Trung Quốc, cú đánh lớn nhất vào nền kinh tế chủ yếu bởi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ mà chính phủ nước này áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch bệnh, thay vì do dịch bệnh tạo nên.

Cũng chính vì lẽ này, một khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế sẽ hồi phục, khiến tính bất ổn tại các thị trường tài chính giảm xuống.

Tin bài liên quan