Chứng khoán toàn cầu chính thức bước vào thị trường gấu

Chứng khoán toàn cầu chính thức bước vào thị trường gấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một chỉ số quan trọng của chứng khoán toàn cầu chính thức rơi vào thị trường giá xuống trước áp lực của lạm phát gia tăng, khiến các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6, chỉ số MSCI ACWI, bao gồm các cổ phiếu từ cả thị trường mới nổi và phát triển đã kéo dài mức giảm với mức giảm tính từ mức đỉnh giữa tháng 11/2021 đến nay là 21%, nối tiếp chỉ số S&P 500 và chính thức rơi vào thị trường giá xuống.

Chỉ số cổ phiếu MSCI toàn cầu

Chỉ số cổ phiếu MSCI toàn cầu

Những rủi ro trên thị trường khiến các nhà đầu tư hướng tới các thiên đường trú ẩn như đồng đô la. Điều đó xảy ra sau khi lạm phát của Mỹ trong tháng 5 đã tăng nhanh lên mức cao nhất trong 40 năm, một dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả đang trở nên cố hữu trong nền kinh tế.

Điều đó có thể sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kéo dài một loạt đợt tăng lãi suất nhanh chóng. Thị trường hiện đang định giá mức lãi suất cuối cùng của Fed là khoảng 4% trong chu kỳ thắt chặt này và sẽ đạt được mức đó vào giữa năm sau.

Theo Steven Englander, Trưởng nhóm nghiên cứu tiền tệ tại Ngân hàng Standard Chartered, khi Fed cố gắng kiểm soát lạm phát, họ có thể tăng lãi suất nhanh, mạnh hơn và có thể hình thành “khoảnh khắc Volcker”. Ông đang đề cập đến Chủ tịch Fed Paul Volcker, người đã đè bẹp lạm phát bằng một loạt đợt tăng lãi suất lịch sử bắt đầu từ năm 1979.

Những động thái mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới cũng là tác nhân ảnh hưởng tới thị trường cổ phiếu. Theo chiến lược gia Nicholas Colas của DataTrek Research, lịch sử gần đây cho thấy, cổ phiếu có xu hướng giảm mạnh khi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đạt 3%, như giai đoạn đầu tháng 5 và cuối năm 2018. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã dao động gần 3,4% vào ngày 13/6.

Theo các chiến lược gia tại Morgan Stanley, Goldman Sachs và BlackRock, cổ phiếu vẫn chưa phản ánh đầy đủ những rủi ro mà lợi nhuận doanh nghiệp sẽ đối mặt. Nhu cầu tiêu dùng yếu hơn và sự thắt chặt mạnh mẽ của Fed trong nỗ lực chống lại mức lạm phát nóng nhất của Mỹ trong bốn thập kỷ có thể gây thiệt hại thêm cho lợi nhuận và do đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu.

Mặt khác, thị trường tiền điện tử mang tính đầu cơ cao cũng sụt giảm nhanh chóng khi vốn hóa thị trường tiền điện tử đã giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD vào ngày 13/6, giảm 2/3 so với mức đỉnh đạt được vào tháng 11/2021. Lần sụt giảm này của Bitcoin nói riêng đang dẫn đến lo ngại rằng việc đóng băng các khoản rút tiền tại nền tảng cho vay Celsius có thể cho thấy rủi ro hệ thống trong tiền điện tử thế giới có thể đẩy nhanh cuộc khủng hoảng.

Tin bài liên quan