Phố Wall tăng điểm sau thông tin Ngân hàng Trung ương Anh sẽ bơm tiền vào hệ thống để kích thích nền kinh tế sau sự kiện Brexit.
Ngoài ra, dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực liên tiếp được công bố cũng giúp phố Wall hồi phục ấn tượng. Sau thông tin về niềm tin tiêu dùng, doanh số bán lẻ, GDP quý I không thấp như ước tính, thêm thông tin được công bố ngày 30/6 cho thấy, lĩnh vực sản xuất trong nhà máy của khu vực Trung Tây của Mỹ tăng lên mức cao nhất 1 năm rưỡi trong tháng 6, nhờ đơn đặt hàng tăng mạnh và sản xuất.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones tăng 235,31 điểm (+1,33%), lên 17.929,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,09 điểm (+1,36%), lên 2.098,86 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 63,43 điểm (+1,33%), lên 4.842,67 điểm.
Trong tháng 6, Dow Jones tăng nhẹ 0,8%, chỉ số S&P tăng 0,09%, trong khi Nasdaq giảm 2,13%.
Tương tự phố Wall, kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Anh, chứng khoán châu Âu cũng có phiên hồi phục mạnh thứ 3 liên tiếp sau khi bị bán tháo ồ ạt do sự kiện Brexit trước đó.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 144,27 điểm (+2,27%), lên 6.504,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 67,82 điểm (+0,71%), lên 9.680,09 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 42,16 điểm (+1,00%), lên 4.237,48 điểm.
Trong tháng 6, bất chấp sự kiện Brexit, chỉ số FTSE 100 vẫn tăng ấn tượng 4,39%, trong khi chỉ số DAX giảm 5,68% và CAC 40 cũng mất 5,95%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù tăng mạnh ngay đầu phiên, nhưng chứng khoán Nhật Bản đảo chiều và gần như trả lại hết khi đóng cửa, trong khi chứng khoán Hồng Kông duy trì đà tăng tốt do nỗi lo Brexit đã dần đi qua.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 9,09 điểm (+0,06%), lên 15.575,92 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 358,25 điểm (+1,75%), lên 20.794,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,98 điểm (-0,07%), xuống 2.929,61 điểm.
Dù hồi phục tốt mấy phiên cuối tháng, nhưng do sự kiến Brexit, trong tháng 6 chỉ số Nikkei 225 vẫn giảm tới 9,63%, trong khi Hang Sang và Shanghai Composite giảm khiêm tốn hơn với lần lượt 0,1% và 0,45%.
Sau những đột biến nhờ sự kiện Brexit, giá vàng trong những phiên vừa qua đã lình xình trở lại. Trong phiên thứ Năm, giá vàng cũng chỉ giằng co nhẹ và chốt phiên với mức tăng nhẹ với giá vàng giao ngay và giảm với giá vàng tương lai giao tháng 8
Kết thúc phiên 30/6, giá vàng giao ngay tăng 3,4 USD (+0,26%), lên 1.321,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 6,3 USD (-0,47%), xuống 1.320,6 USD/ounce.
Trong khi đó, nhờ sự kiện Brexit, giá vàng đã có tháng tăng tốt với mức tăng 8,78% với giá vàng giao ngày và 8,71% với giá vàng tương lai.
Sau 2 phiên tăng giá ấn tượng trở lại với mốc 50 USD/thùng, giá dầu thô thế giới đã đảo chiều giảm hơn 3% trong phiên thứ Năm do áp lực chốt lời và nguồn cung gia tăng với sự trở lại của Nigeria và Canada sau thời gian sản xuất bị gián đoạn.
Kết thúc phiên 30/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,55 USD (-3,21%), xuống 48,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,93 USD (-1,87%), xuống 49,68 USD/thùng.
Phiên giảm giá cuối tháng đã đánh mất hết thành quả của giá dầu trong tháng 6, khiến giá nhiên liệu này giảm lần lượt 1,57% và 0,42% trong tháng 6.