Phố Wall có phiên tăng thứ 2 liên tiếp - Ảnh: Reuters

Phố Wall có phiên tăng thứ 2 liên tiếp - Ảnh: Reuters

Chứng khoán tiếp tục tăng, giá vàng loay hoay tìm xu hướng

(ĐTCK) Phố Wall có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp nhờ nhiều thông tin kinh tế quan trọng vừa được công bố rất tích cực. Trong khi đó, giá vàng vẫn chưa xác định rõ xu hướng khi chịu tác động của các thông tin trái chiều.
Theo báo cáo mới được công bố, doanh số bán nhà trong tháng 4 của Mỹ tăng 1,3%, lên 4,65 triệu đơn vị theo năm, đánh dấu mức tăng thứ 2 trong 9 tháng gần đây. Dù thấp hơn chút ít so với mức dự báo 4,68 triệu đơn vị, nhưng đây là tín hiếu tích cực cho thấy, thị trường nhà ở đã bắt đầu phục hồi sau thời gian tồi tệ cuối năm 2013. Mặc dù vậy, so với thời kỳ đỉnh cao hồi tháng 7/2013, doanh số bán nhà của Mỹ vẫn thấp hơn 15% và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thêm một thông tin kinh tế tích cực khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 5 đã tăng lên 56,2 từ mức 55,4 trong tháng 4.

Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước vừa được công bố tăng 28.000 đơn, lên 326.000 đơn. Mức tăng trung bình trong 4 tuần gần nhất chỉ là 10.500 đơn, cho thấy thị trường việc làm vẫn khả quan.

Những thông tin kinh tế khả quan tiếp tục giúp Phố Wall có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong ngày thứ Năm. Tuy nhiên, mức tăng của các chỉ số chính khiêm tốn hơn rất nhiều so với phiên thứ Tư do chủ yếu là nhóm cổ phiếu nhỏ tăng giá, trong khi bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu HP khi hãng sản xuất máy tính này tuyên bố có thể cắt giảm 16.000 việc làm và đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường máy tính cá nhân, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của hãng. Trong khi đó, Nasdaq có mức tăng tốt nhất nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học. Nhóm cổ phiếu nhà cũng có mức tăng tốt sau thông tin tích cực được công bố.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Dow Jones tăng 10,02 điểm (+0,06%), lên 16.543,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,46 điểm (+0,24%), lên 1.892,49 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,80 điểm (+0,55%), lên 4.154,34 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch khá biến động trong ngày thứ Năm khi bị tác động bởi thông tin từ các thành viên như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia. Tuy nhiên, nhờ một số tập đoàn lớn vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan, cùng thông tin tích cực từ Mỹ, nên chốt phiên, các chỉ số chính vẫn có được mức tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số FTSE tại Anh giảm 0,48 điểm (-0,01%), xuống 6.820,56 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 23,04 điểm (+0,24%), lên 9.720,91 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 9,18 điểm (+0,21%), lên 4.478,21 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, theo thông bố sơ bộ, chỉ số PMI sản xuất trong tháng 5 của Trung Quốc do HSBC công bố tăng lên mức 49,7 từ mức 48,1 của tháng 4, mức tốt nhất trong 5 tháng. Thông tin tích cực về chỉ số PMI của Trung Quốc, cũng như dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan và đồng USD tăng trở lại so với đồng yên đã giúp chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng mạnh nhất 1 tháng trong ngày thứ Năm. Ngoài ra, thông tin về công ty bảo hiểm nhân thọ do Chính phủ kiểm soát sẽ tăng đầu tư và cổ phiếu cũng giúp chứng khoán Nhật tăng mạnh. Trong khi đó, dù nhận thông tin tích cực, nhưng chứng khoán Trung Quốc lại điều chỉnh giảm sau phiên tăng mạnh trước đó.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 295,62 điểm (+2,11%), lên 14.337,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 117,24 điểm (+0,51%), lên 22.953,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,67 điểm (-0,18%), xuống 2.021,29 điểm.

Giá vàng lình xình trong phiên giao dịch Á, Âu, sau đó tăng vọt khi bước vào phiên giao dịch New York nhờ thông tin Chính phủ Ấn Độ sẽ nới lỏng hơn chính sách kiểm soát nhập khẩu vàng, giúp nhu cầu vàng vật chất sẽ tăng lên. Tuy nhiên, sau đó, giá kim loại quý nhanh chóng hạ nhiệt và chỉ còn duy trì mức tăng nhẹ so với giá đóng cửa phiên trước sau một loạt thông tin kinh tế tích cực được công bố.

Kết thúc phiên 22/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 1,80 USD (+0,14%), lên 1.293,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 6,9 USD (+0,54%), lên 1.295,0 USD/ounce.

Giá dầu giảm trở lại trong phiên thứ Năm do áp lực chốt lời sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó bởi ảnh hưởng từ thông tin bất ổn ở Lybia và dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ và Trung Quốc.

Kết thúc phiên 22/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,33 USD (-0,32%), xuống 103,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,19 USD (-0,17%), xuống 110,36 USD/thùng.

Tin bài liên quan