Chứng khoán Tiên Phong (ORS): Thị trường sẽ bùng nổ về thanh khoản và điểm số trong năm 2022, tiếp tục tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng

Chứng khoán Tiên Phong (ORS): Thị trường sẽ bùng nổ về thanh khoản và điểm số trong năm 2022, tiếp tục tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng nay, 11/3/2022, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS - mã chứng khoán ORS) đã tổ chức thành công ĐHCĐ.

Theo đó, các tờ trình quan trọng về việc tăng vốn gấp 2,5 lần lên 5.000 tỷ đồng, đồng thời phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu bổ sung cho các hoạt động tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán và các hoạt động đầu tư vốn khác đã được đại hội nhất trí thông qua .

Cụ thể, TPS sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu, gồm 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu phát hành thêm này không bị hạn chế chuyển nhượng và chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu, giá chào bán 15.000 - 17.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Nếu thực hiện thành công, TPS chính thức tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, TPS là thực hiện tái cơ cấu khá quyết liệt trong 2 năm qua và có tốc độ tăng vốn rất nhanh trong giai đoạn này, từ mức vốn 240 tỷ đồng từ năm 2007 tăng lên 2.000 tỷ đồng năm 2021.

Bên cạnh thông qua việc tăng vốn, ĐHĐCĐ TPS còn thông qua phương án chào bán tổng giá trị 3.000 tỷ đồng trái phiếu, được thực hiện thông qua 1 hoặc chia thành nhiều đợt phát hành, kỳ hạn tối đa 5 năm để bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động của công ty.

Đi kèm với tăng vốn và thuận lợi của thị trường chung, kết quả kinh doanh của TPS cải thiện tốt, ghi nhận sự tăng trưởng với doanh thu đạt 1.346 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 271 tỷ đồng, tăng lần lượt 245% và 162% so với năm 2020, đây cũng là kết quả kinh doanh cao nhất kể từ khi thành lập. Nhờ vậy, TPS chính thức xoá lỗ luỹ kế, từ mức âm hơn 233 tỷ đồng (năm 2018) đến cuối năm 2021, lợi nhuận chưa phân phối của TPS là dương 154 tỷ đồng. Trong năm 2021, TPS cũng huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu.

Đánh giá thị trường chứng khoán năm 2022, lãnh đạo TPS cho rằng, TTCK sẽ tiếp tục đạt được những kỷ lục mới, bùng nổ về thanh khoản và điểm số trong năm 2022. Về dài hạn, TTCK theo TPS có thể tăng trưởng mạnh trong 5-10 năm tới, bởi số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số cả nước, chỉ mới tiến sát lên 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030.

Đáng chú ý, tầng lớp trung lưu và thượng lưu tăng lên khiến tài sản, tiền tích luỹ sau mỗi năm càng nhiều trong khi các kênh đầu tư ở Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ đa dạng như các quốc gia phát triển. Kênh đầu tư chứng khoán sẽ hưởng lợi khi các dòng tiền tích luỹ, hưu trí tăng.

Xu hướng thoái vốn của Nhà nước vẫn còn tiếp diễn mạnh trong vài năm tới và sẽ tạo ra sự thu hút với dòng tièn lớn quốc tế, tăng khả năng nâng hạng TTCK cũng như tạo ra nhiều thương vụ cho các CTCK thực hiện và thu phí.

Đồng thời, hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, công nghệ và các sản phẩm phái sinh phát triển sẽ dẫn dắt sự phát triển của ngành. Cơ chế giao dịch T+0 và bán khống có thể thực hiện vào năm 2022 kỳ vọng giúp cải thiện đáng kể thanh khoản thị trường.

Theo đó, năm 2022, TPS đặt kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh lần lượt 46% và 85% so với thực hiện 2021. Trong đó, nguồn thu sẽ được đa dạng hoá, bên cạnh doanh thu từ nghiệp vụ tư vấn phát hành trái phiếu, công ty sẽ đẩy mạnh hơn các mảng như môi giới cổ phiếu – trụ cột bên cạnh mảng trái phiếu, chào bán chứng quyền, kinh doanh chứng khoán phái sinh cũng như tự doanh.

Công ty cũng tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm và tăng cường nhận diện thương hiệu, tăng cường quản trị rủi ro. Tích hợp đa sản phẩm trên cùng nền tảng giúp khách hàng quản trị tài sản tối ưu. Tự động hóa quy trình và liên kết các phần mềm vận hành sản phẩm: các phần mềm vận hành sản phẩm sẽ được liên kết để xử lý giao dịch, với thông tin khách hàng được quản lý tập trung tại Core TTL (Transaction Technologies Services), đảm bảo sự đồng nhất và bảo mật. Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung (Data Warehouse), đây là kho dữ liệu để TPS phân tích và đưa ra các chiến lược chăm sóc khách hàng, cung cấp sản phẩm đa dạng/linh hoạt, kịp thời có giải pháp nhằm giữ chân khách hàng.

Tin bài liên quan