Chứng khoán Tiên Phong: Cung cấp sản phẩm dịch vụ linh hoạt - Tích hợp công nghệ đa nền tảng

Chứng khoán Tiên Phong: Cung cấp sản phẩm dịch vụ linh hoạt - Tích hợp công nghệ đa nền tảng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hướng tới cung cấp sản phẩm dịch vụ toàn diện đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng , Chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã chứng khoán ORS) đang xây dựng nhiều gói sản phẩm đầu tư ở tất cả các phân khúc khách hàng với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ bán lẻ.

Phát triển thêm các dòng sản phẩm phòng ngừa rủi ro, uỷ thác đầu tư chuyên nghiệp

Sự bùng nổ của thị trường thời gian qua đã dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ tài chính ngắn hạn, cũng như các sản phẩm tư vấn đầu tư tăng lên. Đã đến lúc ra đời các sản phẩm phòng ngừa rủi ro đầu tư chứng khoán, ủy thác đầu tư chuyên nghiệp hướng tới sự tăng trưởng bền vững cho nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm và Nghiên cứu thị trường TPS cho biết, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường đa phần thuộc thế hệ trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nhưng chịu khó quan sát thị trường và ham học hỏi, ở họ có sự thích nghi nhanh chóng và phản ứng chủ động với thị trường.

Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi hành vi giao dịch của các khách hàng cá nhân, thay vì đến các quầy giao dịch, họ ưu tiên sử dụng dịch vụ trực tuyến, thuận tiện mọi lúc mọi nơi. Dịch vụ mở tài khoản trực tuyến định danh - eKYC sau khi có hành lang pháp lý, được các công ty chứng khoán nhanh chóng triển khai - là nhân tố góp phần đưa số tài khoản mở mới tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, các nhu cầu cơ bản nhất của nhà đầu tư vẫn là sự tiện lợi trong việc nộp tiền – giao dịch – rút tiền.

Theo bà Huyền, khi nhà đầu tư trải qua một quá trình giao dịch bằng tiền mặt, họ sẽ muốn tiếp cận đến dịch vụ cho vay ký quỹ (margin) và các loại dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán.

Bởi vậy, xu hướng dễ nhìn thấy ở các công ty chứng khoán lớn đều đang có sự thay đổi linh hoạt để thích ứng với giai đoạn phát triển mới của thị trường, cụ thể là tăng vốn và nâng cấp công cụ, tiện ích giao dịch trực tuyến nhằm đáp ứng mọi phân khúc khách hàng. Với TPS – công ty chứng khoán đã tái cơ cấu thành công và có những kết quả vượt trội về mọi mặt - cũng đang có những chuyển động mạnh mẽ, tập trung xây dựng nền tảng dịch vụ và giao dịch chứng khoán số ngay từ đầu.

Nói về kế hoạch sản phẩm sắp tới, bà Huyền cho biết, bên cạnh việc TPS sẽ đầu tư phát triển hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh, TPS cũng đang hướng đến dòng sản phẩm phòng ngừa rủi ro, các dòng sản phẩm đầu tư định kỳ có nguyên tắc dành cho tập khách hàng muốn đầu tư trung/dài hạn, các dòng sản phẩm ủy thác đầu tư. Chẳng hạn, đầu tư định kỳ vào cổ phiếu và/hoặc trái phiếu, trong đó đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng bền vững hay đầu tư vào trái phiếu cho phép khách hàng hưởng lãi cố định, không bị biến động của thị trường tác động.

Hướng đến Top đầu về ứng dụng công nghệ

Tới nay, toàn bộ hệ thống công nghệ cho các sản phẩm của TPS đều đã được nâng cấp, kiện toàn và được thiết kế theo cơ chế mở, dễ dàng tích hợp và chuyển đổi, trong đó, sản phẩm đóng vai trò cốt lõi tiệm cận với nhu cầu thị trường, nhưng cũng có khác biệt, thiết kế riêng phù hợp với khẩu vị của từng phân khúc khách hàng.

Ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp, xây dựng nền tảng giao dịch số giúp TPS tăng năng lực cạnh tranh, tối ưu hiệu quả hoạt động, giảm chi phí vận hành và gia tăng trải nghiệm khách hàng. Đây cũng là cơ sở để TPS có thể linh động trong chính sách phí giao dịch cạnh tranh – cũng phù hợp với xu hướng giảm phí giao dịch trên thế giới và Việt Nam.

Nếu theo dõi TPS ngay từ khi mới tái cơ cấu cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin luôn được cấp lãnh đạo quan tâm đặc biệt. Cùng với TPS nằm trong hệ sinh thái TPBank là Ngân hàng số xuất sắc nhất những năm gần đây, vì vậy TPS luôn hướng đến tầm nhìn là công ty Chứng khoán công nghệ, nằm trong top đầu ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng bên ngoài và khách hàng nội bộ.

Ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Công nghệ thông tin TPS cho biết, tái cấu trúc và đầu tư công nghệ ở TPS bắt đầu từ năm 2020, thời điểm đó TPS xác định mục tiêu đầu tiên đó là cần phải nâng cấp hệ thống giao dịch và đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ công nghệ thông tin. Đến tháng 8 năm 2021, về cơ bản quá trình tái cấu trúc nền tảng công nghệ, đầu tư hạ tầng dịch vụ CNTT giai đoạn đầu đã thành công.

Khoảng tháng 04/2020, TPS đưa vào sử dụng hệ thống core giao dịch phiên bản mới, tháng 08/2020 ra mắt ứng dụng TPS Mobile hỗ trợ nhà đầu tư dễ dàng giao dịch với nhiều tiện ích khác biệt, đồng thời tích hợp với nền tảng giao dịch trái phiếu phục vụ nhu cầu đầu tư của khách hàng một cách thuận tiện và nhanh chóng.

Đặc biệt ấn tượng, TPS cũng ra mắt tiện ích mở tài khoản trực tuyến bằng công nghệ định danh điện tử (eKYC), kết hợp với hợp đồng điện tử (eContract). TPS là một trong những công ty Chứng khoán đầu tiên, tiên phong trong việc ứng dụng hợp đồng điện tử (eContract) áp dụng cho dịch vụ mở tài khoản giao dịch. Khách hàng chỉ mất vài phút là có thể mở tài khoản và tiến hành giao dịch ngay lập tức, rất nhanh chóng và thuận tiện so với phương thức truyền thống như trước đây.

Bên cạnh đó, TPS đã áp dụng thành công công nghệ định danh thoại (voice-brandname) vào hệ thống Call Center nhằm tăng trải nghiệm khách hàng. Công nghệ này, giúp khách hàng nhận diện thương hiệu TPS một cách trực quan khi tiếp nhận cuộc gọi từ hệ thống tổng đài của TPS, bằng cách thể hiện tên định danh là “TPS” thay vì số cố định như trước đây. Ứng dụng công nghệ này góp phần tạo thiện cảm, nâng cao nhận diện thương hiệu, tạo sự tin tưởng với khách hàng.

Thành công trong việc nâng cấp, tái cấu trúc và xây dựng hệ thống, dịch vụ CNTT của TPS phải kể đến sự hỗ trợ và tích hợp dịch vụ CNTT với hệ sinh thái của TPBank, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ nạp tiền vào tài khoản chứng khoán TPS chỉ mất vài giây, và dịch vụ rút tiền ra diễn ra nhanh chóng. Khách hàng chỉ mất vài thao tác là có thể thực hiện giao dịch nộp tiền vào tài khoản TPS ngay trên ứng dụng TPBank Mobile, hoặc thực hiện giao dịch thông qua eBanking của khách hàng.

Theo ông Tuấn, TPS sẽ đầu tư nguồn lực IT, hạ tầng công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tự động hoá các nghiệp vụ, quy trình xử lý hằng ngày, hướng đến mục tiêu là một trong những công ty chứng khoán top đầu về ứng dụng công nghệ.

Thực tế cho thấy, bên cạnh dịch vụ và nền tảng công nghệ tốt, để tiếp cận được tệp khách hàng rộng lớn hơn thì yếu tố tiên quyết là các sản phẩm cạnh tranh, đáp ứng được đúng nhu cầu của khách. Bởi vậy, Ban Lãnh đạo TPS xác định phải chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng để phục vụ khách hàng, trong đó đóng gói dịch vụ trọng yếu dành cho khách hàng mới, giúp khách hàng tiếp cận nhanh hơn với TTCK và hỗ trợ đầu tư hiệu quả.

Tính đến thời điểm hiện tại, TPS là công ty chứng khoán Top 2 về thị phần môi giới trái phiếu, vốn chủ sở hữu ở mức 2.100 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản lên đến 4.500 tỷ đồng - đây là nền tảng quan trọng giúp cho TPS tạo “bước nhảy lớn” ở các năm tới. Lợi thế vốn chủ tăng giúp TPS mở rộng tăng trưởng dư nợ cho vay margin khi thị trường có sự tích cực, gia tăng đầu tư tài chính và tự doanh.

Mục tiêu của TPS sẽ nâng thị phần môi giới cổ phiếu tăng lên 1,5% trong năm 2022, với thị phần trái phiếu, tiếp tục được củng cố và gia tăng. TPS chú trọng xây dựng thị trường thứ cấp, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân, từ đó họ có thể dễ dàng chuyển đổi trạng thái nguồn tiền qua các hình thái tài sản mong muốn, vừa đạt được các khoản lợi nhuận kỳ vọng bên cạnh phát huy nỗ lực và hiệu quả tư vấn của TPS đối với các đối tác doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp hướng đến nguồn tài chính ổn định, dài hạn.

Trong tương lai, khách hàng TPS sẽ thừa hưởng nhiều tiện ích và dịch vụ khác biệt hơn nữa dựa trên sự gắn kết, tích hợp sâu rộng giữa trên nền tảng công nghệ của TPS và Ngân hàng số TPBank. Ngoài ra, TPS tiếp tục nâng cấp phần mềm nhằm mở rộng phương thức giao dịch, hướng đến sự đa dạng của sản phẩm nhưng cũng tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng.Toàn bộ các sản phẩm được TPS thiết kế dựa trên nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, xu hướng thị trường, và được hỗ trợ hiện thực hoá bằng hệ thống công nghệ hiện đại, hướng đến gia tăng trải nghiệm khách hàng ở mức tối ưu nhất.

Tin bài liên quan