Chứng khoán thế giới giảm 4 phiên liên tiếp do căng thẳng địa chính trị, Covid-19 và Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán thế giới giảm phiên thứ tư liên tiếp trong ngày 15/3 do mối lo ngại cộng hưởng từ các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc, xung đột ở Ukraine và lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất trong tuần này.
Chứng khoán thế giới giảm 4 phiên liên tiếp do căng thẳng địa chính trị, Covid-19 và Fed

“Các cuộc họp sắp tới của Fed và BOE đang chứng kiến ​​sức ép từ thị trường chứng khoán do thị trường dự đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tập trung vào việc giảm bớt áp lực lạm phát gia tăng, bỏ qua nhu cầu tiềm năng về chính sách nới lỏng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng xấu đi”, Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô hàng đầu tại Equiti Capital cho biết.

Theo BoFA, 69% người được hỏi trong cuộc khảo sát hàng tháng cho rằng nền kinh tế châu Âu sẽ suy yếu trong năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Tại Mỹ, một đợt giảm mạnh khác khiến chỉ số Nasdaq 100 giảm hơn 20% so với mức đỉnh kỷ lục vào cuối năm ngoái.

Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine hôm thứ Hai (14/3) không có tiến triển quan trọng đã làm tăng thêm sự lo lắng trong khi lo ngại về những căng thẳng mới có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ.

Jack Siu, Giám đốc đầu tư của Credit Suisse cho biết: “Câu hỏi mà chúng tôi đang đặt ra là liệu các thị trường đã đạt đến mức giảm giá đỉnh điểm hay chưa”.

Trong phiên giao dịch ngày 15/3, chỉ số chứng khoán MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 2,82%, dẫn đầu là do chứng khoán Trung Quốc suy yếu rõ rệt. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số này đã giảm 11% trong tháng 3. Chỉ số MSCI thế giới cũng giảm 0,2% và chạm mức thấp nhất trong một năm vào tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông vẫn chìm trong sắc đỏ vào ngày 15/3 với mức giảm 5,8% sau khi giảm gần 5% trong ngày 14/3. Chỉ số công nghệ của Hồng Kông đã giảm 32% trong tháng này khi các nhà đầu tư lo lắng về các quy định tiếp theo từ chính quyền Mỹ và Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ.

Ngoài lo ngại về các quy định, số trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý I và theo đó làm sụt giảm nhu cầu dầu.

Trong ngày 15/3, giá dầu Brent giảm gần 7% xuống 99,67 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giảm gần 8% xuống 94,98 USD/thùng. Trong tuần qua, giá dầu thô có thời điểm lên mức gần 140 USD/thùng khi các nhà đầu tư lo lắng về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong cuộc họp diễn ra vào thứ Tư (16/4) và dự kiến ​​sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong ba năm để bù đắp lạm phát gia tăng. Mọi con mắt đang đổ dồn vào việc liệu Fed có đẩy mạnh đường lối diều hâu và cam kết tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát hay không.

Steve Englander, Trưởng nhóm nghiên cứu G10 FX toàn cầu tại Standard Chartered cho biết: “Chúng tôi không bị thuyết phục bởi các lập luận cực kỳ diều hâu, nhưng FOMC có thể không sẵn sàng xem xét các kịch bản ôn hòa mà không có dấu hiệu rõ ràng về việc tăng trưởng kinh tế chậm lại”.

Tin bài liên quan