Dù có thời điểm hồi phục sau phiên giảm điểm trước đó do “sự kiện” Hồng Kông, nhưng phố Wall sau đó đã đảo chiều giảm trở lại về cuối phiên khi dữ liệu kinh tế công bố yếu kém.
Theo dữ liệu vừa công bố, niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9 giảm lần đầu tiên trong 5 tháng, trong khi giá nhà lại tăng ít hơn dự báo so với cùng kỳ năm trước, cho thấy dấu hiệu bất ổn định trong sự phục hồi của kinh tế Mỹ.
Dữ liệu kinh tế yếu kém của kinh tế Mỹ khiến giá dầu sụt giảm mạnh sau phiên hồi phục, kéo giá cổ phiếu năng lượng lao dốc và cũng phần nào ảnh hưởng đến phố Wall.
Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Dow Jones giảm 28,32 điểm (-0,17%), xuống 17.042,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,51 điểm (-0,28%), xuống 1.972,29 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,46 điểm (-0,28%), xuống 4.493,39 điểm.
Trong tháng 9, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, chỉ số S&P 500 giảm 1,5% và chỉ số Nasdaq giảm 1,9%. Tuy nhiên, trong quý III, chỉ số Dow Jones tăng 1,3%, chỉ số S&P 500 tăng 0,6% và chỉ số Nasdaq tăng 1,9%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đã đảo chiều tăng điểm trở lại khi dữ liệu lạm phát yếu kém làm tăng kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ gia tăng các biện pháp kích thích kinh tế.
Theo dữ liệu vừa công bố, lạm phát của khu vực đồng tiền chung chỉ có 0,3% trong tháng 9, đúng như dự báo của thị trường. Mức lạm phát này vẫn chưa như mục tiêu của ECB đưa ra, nhưng dưới 2% cho thấy sự trì trệ của kinh tế khu vực.
Kết thúc phiên 30/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 23,88 điểm (-0,36%), xuống 6.622,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 51,39 điểm (+0,55%), lên 9.474,30 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 58,17 điểm (+1,33%), lên 4.416,24 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần , do sự kiện Hồng Kông và dữ liệu kinh tế yếu kém, chứng khoán Hồng Kông dĩ nhiên vẫn giảm mạnh, trong khi chứng khoán đại lục tăng nhẹ trước kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 137,12 điểm (-0,84%), xuống 16.173,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 296,23 điểm (-1,28%), xuống 22.932,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 6,16 điểm (+0,26%), lên 2.363,87 điểm.
Bất chấp sự bất ổn ở Hồng Kông và dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém, giá vàng vẫn chịu áp lực giảm giá và xuống mức thấp 9 tháng trong phiên cuối tháng do đồng USD tăng mạnh. Việc đồng USD tăng mạnh do FED có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi các ngân hàng Trung ương khác lại làm điều ngược lại. Đây chính là sức ép lên giá các loại hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có vàng.
Kết thúc phiên 30/9, giá vàng giao ngay giảm 6,3 USD (-0,52%), xuống 1.208,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 7,2 USD (-0,59%), xuống 1.211,6 USD/ounce.
Dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ khiến giá dầu quay đầu lao dốc trong phiên thứ Ba sau phiên tăng mạnh đầu tuần.
Kết thúc phiên 30/9, giá dầu thô Mỹ giảm 3,41 USD (-3,74%), xuống 91,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,53 USD (-2,67%), xuống 94,67 USD/thùng.