Cổ phiếu của Microsoft Corp đóng cửa ở đỉnh lịch sử mới 331,62 USD và kết thúc phiên giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường là 2.490 tỷ USD, vượt qua mức vốn hóa thị trường của Apple, rơi vào khoảng 2,48 nghìn tỷ USD.
Apple mất 1,81% trong phiên cuối tuần sau báo cáo quý III đáng thất vọng đi kèm với những cảnh báo tác động của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ còn tồi tệ hơn trong quý nghỉ lễ cuối năm. Trong khi đó, một gã khổng lồ khác là Amazon.com cũng lao dốc 2,15% do dự báo doanh số bán hàng trong quý IV giảm do thiếu lao động, bên cạnh lợi nhuận quý III không đạt như kỳ vọng.
Bất chấp những kết quả không mong đợi đến từ hai ông lớn ngành công nghệ, phố Wall vẫn đang đón một mùa báo cáo tích cực. 82,1% trong số 279 công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo kết quả quý III ghi nhận lợi nhuận vượt dự báo, theo dữ liệu của Refinitiv. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của S&P 500 hiện tại của quý III là 39,2%.
Sau tháng 9 ảm đạm, thị trường trong tháng 10 đã rất hài lòng với những con số lợi nhuận vững chắc cho thấy khả năng vượt qua tình trạng thiếu lao động, áp lực giá cả tăng cao và tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Với tâm lý tích cực của giới đầu tư, tháng 10 đánh dấu tháng thăng hoa nhất của chứng khoán Mỹ kể từ đầu năm nay.
Mặt khác, phiên cuối tuần còn nhận được động lực từ những động thái mới từ Washington. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu công bố khung thỏa thuận chi tiêu xã hội trị giá 1.750 tỷ USD. Thoả thuận này có mức chi tiêu và thuế thấp hơn so với các đề xuất trước đó và có thể sẽ giúp phe Dân chủ dễ dàng hơn trong những nỗ lực nhằm thông qua dự luật chi tiêu cơ sở hạ tầng riêng biệt hiện đang bị đình trệ ở Đồi Capitol.
Về dữ liệu kinh tế, chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, tiếp tục tăng 0,6% trong tháng 9, thấp hơn mức tăng 0,7% trong tháng 8, Bộ Thương mại cho biết. Trong khi đó, thu nhập cá nhân tại Mỹ giảm 1%, tiền lương tăng 0,8%.
Cả 3 chỉ số đều khép phiên tại mức cao kỷ lục và S&P 500 cùng Nasdaq Composite ghi nhận tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.
Kết thúc phiên 29/10, chỉ số Dow Jones tăng 89,08 điểm (+0,25%), lên 35.819,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,96 điểm (+0,19%), lên 4.605,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 50,27 điểm (+0,33%), lên 15.498,39 điểm.
Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,40%, chỉ số S&P 500 tăng 1,33%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,70%. Trong tháng 10, chỉ số Dow Jones tăng 4,35%, chỉ số S&P 500 tăng 1,70%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,40%.
Chứng khoán châu Âu có thêm một phiên đi ngang vào thứ Sáu khi các cổ phiếu tài chính lớn tăng vọt nhờ lợi suất trái phiếu tăng cao, bù đắp cho sự suy yếu của cổ phiếu các công ty hàng hóa lao đao vì giá dầu và kim loại giảm.
Chỉ số STOXX 600 ghi nhận mức tăng 4,6% trong tháng 10, đánh dấu tháng tốt nhất trong 7 tháng qua và bù lại tất cả các khoản lỗ của tháng 9 khi báo cáo thu nhập quý thứ III thu hút dòng tiền mạnh mẽ từ các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 29/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,90 điểm (-0,16%), xuống 7.249,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 7,56 điểm (-0,05%), xuống 15.688,77 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 26,12 điểm (+0,38%), lên 6.830,34 điểm.
Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,46%, chỉ số DAX tăng 0,94%, chỉ số CAC 40 tăng 1,44%. Trong tháng 10, chỉ số FTSE 100 tăng 3%, chỉ số DAX tăng 3,51%, chỉ số CAC 40 giảm 4,80%.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, do sự lạc quan về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong nước, nhưng các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước cuộc tổng tuyển cử.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ cổ phiếu tiêu dùng, công nghệ và chăm sóc sức khỏe đều tăng, nhưng cổ phiếu bất động sản có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2018 do kế hoạch áp thuế của Bắc Kinh.
Chứng khoán Hồng Kông giảm do nhóm cổ phiếu công nghệ và bảo hiểm kéo lùi.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm do dữ liệu kinh tế yếu kém và lo ngại những rắc rối trong chuỗi cung ứng có thể còn đè nặng lên nền kinh tế.
Kết thúc phiên 29/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 72,60 điểm (+0,25%), lên 28.892,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 28,92 điểm (+0,82%), lên 3.547,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 178,49 điểm (-0,70%), xuống 25.337,24 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 38,87 điểm (-1,29%), xuống 2.970,68 điểm.
Kết thúc tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,98%, chỉ số Hang Seng giảm 2,87%, chỉ số KOSPI giảm 1,18%. Kết thúc tháng 10, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,42%, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,58%, chỉ số Hang Seng tăng 3,26%, chỉ số KOSPI giảm 1,61%.
Giá vàng đêm qua giảm mạnh khi các dữ liệu liên quan đến lạm phát nóng lên, yếu tố có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất trong thời gian tới, dòng tiền trên thị trường dồn vào USD, trái phiếu và chứng khoán Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 tại các các quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy lạm phát tại châu Âu vẫn nóng.
Kết thúc phiên 29/10, giá vàng giao ngay giảm 14,80 USD (-0,82%), xuống 1.784,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 18,70 USD (-1,04%), xuống 1.783,90 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,47%. Trong tháng, giá vàng giao ngay tăng 1,52%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 13 chuyên gia trên phố Wall, có 7 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 4 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và có 2 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 745 người tham gia, 60,5% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 22,5% cho rằng giá vàng giảm và 17% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu phục hồi vào thứ Sáu, được hỗ trợ bởi kỳ vọng OPEC+ sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng.
Áp lực đè nặng lên giá dầu kể từ hôm thứ Tư do kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 4,3 triệu thùng trong tuần gần nhất. Bên cạnh đó, Iran cho biết các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này sẽ khởi động lại vào cuối tháng 11, đưa nước này tiến gần hơn đến việc trở lại xuất khẩu dầu.
Hôm thứ Năm, Algeria cho biết, mức tăng sản lượng dầu thô của OPEC+ trong tháng 12 không được vượt quá 400.000 thùng/ngày vì những bất ổn và rủi ro liên quan đến thị trường. Nhóm này đang dần gỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng kỷ lục vào năm ngoái và sẽ nhóm họp vào ngày 4/11.
Kết thúc phiên 29/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,76 USD (+0,9%), lên 83,57 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,06 USD (+0,07%), lên 84,38 USD/thùng.
Dầu WTI giảm 0,22% trong tuần, trong khi dầu Brent giảm 1,34%. Trong tháng 9, dầu WTI tăng 11,4%, dầu Brent tăng 7,5%.