Tháng 5 tồi tệ
Sự suy giảm mạnh trong tháng 5 của thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là tồi tệ nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009, đã chính thức đẩy chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội xuống thấp hơn mức đáy tháng 3/2009 (76 điểm) và chỉ số VN-Index tụt sâu dưới 400 điểm (thời điểm thấp nhất mặt bằng giá của VN-Index chỉ tương đương với mức 300 điểm sau khi loại trừ ảnh hưởng một vài cổ phiếu vốn hóa lớn).
VN-Index đóng cửa tháng 5 tại 421,37 điểm, giảm 58,53 điểm hay 12,2% trong khi HNX-Index đóng cửa tại 69,48 điểm, giảm 14,1 điểm - tương đương 16,9% so với mức điểm đóng cửa tháng 4.
Diễn biến cụ thể của thị trường trong tháng 5 có thể tóm tắt như sau:
Từ ngày 5-12/5: Thị trường giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4 với trạng thái giao dịch kém hưng phấn, thanh khoản thấp. Trong khi VN-Index tăng nhẹ lên mức 480 điểm hoàn toàn do sự hỗ trợ của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn (BVH, MSN, VIC, VNM…), HNX-Index lùi dần về vùng xung quanh 80 điểm.
Thị trường thiếu hẳn thông tin có khả năng tác động mạnh, tuy nhiên các khó khăn đáng kể bắt đầu ló dạng. Các khoản vay nợ đòn bảy tài của nhà đầu tư ở nhiều công ty chứng khoán chính bước vào giai đoạn buộc phải thu hồi, nhà đầu tư phải chịu mức lãi suất rất cao từ 25 - 27%/năm.
Thông tin về khả năng CPI tháng 5 ở mức trên 2% rò rỉ và các thông tin không tích cực về sự suy giảm mạnh thậm chí đóng băng của nhiều phân khúc trên thị trường bất động sản Hà Nội khiến nhà đầu tư lo ngại.
Từ ngày 13-18/5: Giai đoạn các cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu có sự điều chỉnh giảm mạnh sau khi UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết có khả năng sẽ xây dựng lại bộ chỉ số thị trường nhằm giảm sự phụ thuộc quá lớn và một vài cổ phiếu vốn hóa cao nhưng khối lượng lưu hành thấp. Ngoài ra, thị trường còn chịu tác động mạnh từ sự suy giảm khá nhanh chóng của nhóm các cổ phiếu bất động sản chủ chốt (SJS, HAG, NTL, LCG…) lan sang nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ. VN-Index và HNX-Index cho thấy khả năng tụt khỏi vùng hỗ trợ chủ chốt, lần lượt là 450 điểm và 80 điểm.
Từ ngày 19 - 26/5: Áp lực giải chấp rất lớn từ nhiều công ty chứng khoán khiến thị trường có sự lao dốc cực kỳ nhanh chóng. VN-Index xuống mức thấp nhất 371 điểm ngày 26/5; HNX-Index xuống mức thấp nhất trong lịch sử 66,1 điểm ngày 26/5 trước khi có sự đảo chiều kỹ thuật ngắn hạn. Mặc dù vậy, thanh khoản của thị trường có dấu hiệu cải thiện với các phiên giao dịch có khối lượng từ 30 - 40 triệu/cổ phiếu trên mỗi sàn và tổng mức giá trị giao dịch 800 - 1.000 tỷ trên cả 2 sàn.
Từ ngày 26 - 31/5: Giai đoạn phục hồi mang tính kỹ thuật của 2 chỉ số VN-Index và HXN-Index. 3 phiên phục hồi kỹ thuật nhanh chóng đưa 2 chỉ số trở lại sát các mức điểm quan trọng 420 điểm và 70 điểm.
Nhìn chung, diễn biến thị trường trong tháng 5 cho thấy sự điều chỉnh thái quá của thị trường chứng khoán dưới tác động các yếu tố giải chấp, tính bầy đàn và mất niềm tin của nhà đầu tư. Mặc dù mức giá nhiều cổ phiếu đã xuống tới mức thấp đến phi lý theo các chỉ số cơ bản như cổ tức/thị giá, P/E, P/BV…nhưng nếu các vấn đề mang tính cung - cầu và kỹ thuật như nợ xấu từ các khoản hỗ trợ tài chính đối với nhà đầu tư của công ty chứng khoán; các biện pháp khẩn cấp bảo vệ thị trường trong các trường hợp suy giảm tương tự khủng hoảng; sự chênh lệch cung cầu; ảnh hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn làm “méo mó” chỉ số… không được cải thiện thì vẫn có khả năng quá trình suy giảm còn tiếp tục trong tháng 6.
Cơ hội cho đầu tư dài hạn?
Theo chúng tôi, một số yếu tố chủ đạo sau đây sẽ tác động tới xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6:
Một là, các khoản vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán tiếp tục là áp lực nặng nề đối với thị trường chứng khoán.
Chưa có số liệu thống kê chính thức về các khoản cho vay của công ty chứng khoán đối với nhà đầu tư dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư nhưng chắc chắn con số này lên tới nhiều ngàn tỷ đồng.
Nhiều khoản cho vay nhà đầu tư từ giai đoạn cuối năm 2010 khi thị trường bùng nổ với giao dịch 3.000 - 5.000 tỷ/phiên hiện đang tới hạn, chưa kể các khoản vay mà nhà đầu tư đã hoàn toàn không có khả năng chi trả tồn đọng từ năm 2009. Trong giai đoạn suy giảm tháng 5 vừa qua, hiện tượng giải chấp được kích hoạt trên diện rộng khiến thị trường lao dốc dù chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm.
Cho tới cuối tháng 6, khi nhiều ngân hàng cần phải thu hồi lại các khoản cho vay chứng khoán nhằm đạt giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất, áp lực từ việc bán giải chấp sẽ vẫn là mối đe dọa chính yếu đối với thị trường.
Hai là, thị trường chứng khoán vẫn cần những biện pháp hỗ trợ kỹ thuật khẩn cấp khi tình trạng lao dốc mạnh xảy ra.
Trong giai đoạn thị trường lao dốc năm 2008, cơ quan quản lý đã có một số biện pháp nhất định nhằm làm giảm đà rơi của thị trường chứng khoán (họp mặt các công ty chứng khoán, đăng đàn trấn an tâm lý nhà đầu tư, giảm biên độ giao dịch giá cổ phiếu trên HOSE, HNX, trực tiếp hỗ trợ thị trường từ phía SCIC…) và các biện pháp này đã có tác động nhất định trong việc ổn định tâm lý thị trường và làm giảm đà rơi của các chỉ số.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn hiện tại và sắp tới, các biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán trong trường hợp khẩn cấp của các cơ quan quản lý mặc dù không thể làm thay đổi xu thế khách quan trên thị trường nhưng vẫn cần thiết để vãn hồi niềm tin của nhà đầu tư, tránh tình trạng tâm lý bầy đàn thái quá dẫn đến khó kiểm soát.
Ba là, báo cáo tài chính quý 2 hé lộ mặc dù khó ảnh hưởng mạnh lên thị trường nhưng sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư trung dài hạn đánh giá các cơ hội đầu tư.
Báo cáo tài chính quý 2 của nhiều công ty sẽ phần nào hé lộ trong tháng 6. Báo cáo quý 2 sẽ phản ánh chân thực những khó khăn vĩ mô đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Tuy nhiên, ngay cả trong những ngành nghề gặp nhiều thách thức nhất như chứng khoán, bất động sản…các nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có khả năng sàng lọc được các công ty có khả năng chống chịu rủi ro tốt, có khả năng cân đối tài chính, có dòng tiền lành mạnh, có khả năng phục hồi mạnh và tận dụng cơ hội khi các chính sách tiền tệ được nới lỏng. Và quan trọng hơn có khá nhiều công ty rơi vào tình trạng xấu nên được định giá thấp hơn so với giá trị nội tại rất nhiều sẽ là cơ hội tốt cho hoạt động thâu tóm, sát nhập doanh nghiệp.
Tóm lại, thị trường chứng khoán trong tháng 6 có thể tạo ra những cơ hội mua vào tốt nhất trong nhiều năm đối với các nhà đầu tư trung dài hạn nếu quá trình giảm giá còn tiếp tục hoặc rơi vào tình trạng lao dốc thái quá.
Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, sự kỳ vọng được đặt vào mẫu hình đảo chiều chữ W. Tuy nhiên với mức độ rủi ro còn cao, nhà đầu tư ngắn hạn cần có sự nhanh nhạy nhất định để kịp thời phát hiện các điểm đảo chiều và chốt lời.