Sự sôi động của TTCK thường phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền đầu tư ngắn hạn. Sau một nhịp tăng khá dài kể từ tháng 12/2013 đến giữa tháng 3/2014, thị trường đang có phần “chững lại”. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, dòng tiền đầu tư ngắn hạn sẽ tiếp tục tham gia thị trường để tìm kiếm lợi nhuận, nên dù khó có đột biến, nhưng tháng 4/2014, thị trường vẫn chuyển biến theo chiều tích cực.
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược CTCK Maritimebank (MSBS) cho rằng, thị trường đang bị tác động bởi yếu tố tâm lý cũng như việc bán ròng của khối ngoại, thể hiện ở động thái bán tháo của nhà đầu tư như trong phiên ngày 26/3. Nhà đầu tư có vẻ đang muốn “chốt lời” và đợi mua lại ở mức giá thấp hơn. Như vậy, việc điều chỉnh là cần thiết để VN-Index tạo đà leo lên các mốc kháng cự tiếp theo. Theo ông Khánh, tháng 4 sẽ là tháng thuận lợi cho TTCK cùng với việc chỉ số VN-Index sẽ quay trở lại ngưỡng 600 - 610, thậm chí tăng lên 630 điểm.
Nhìn xa hơn, trong cả quý II, nhiều chuyên gia cho rằng, TTCK vẫn là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, khả năng tăng mạnh của thị trường như trong quý I sẽ khó xảy ra, thay vào đó, kịch bản giằng co đi ngang hoặc tăng nhẹ để củng cố mặt bằng giá nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế, do mức tăng hiện tại dường như đã hơi quá so với sự phục hồi thực tế của nền kinh tế và nền kinh tế trong quý II được dự báo sẽ chưa có chuyển biến đột phá. Hơn nữa, tháng 4 cũng là tháng cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý I và họp đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, diễn biến của thị trường nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa theo các dòng thông tin này và sự bứt phá sẽ vẫn phải đến từ các doanh nghiệp đầu ngành có cơ bản tốt và thị phần lớn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc môi giới khách hàng cá nhân CTCK VNDirect (VND) đánh giá, trong trung và dài hạn, thị trường vẫn được đánh giá là có triển vọng tích cực khi đang chuyển biến theo sự chuyển mình của nền kinh tế vĩ mô.
“Tuy nhiên, trong tháng 4 tới, tôi không đánh giá cao sự tăng trưởng về điểm số của thị trường chung và thiên về hướng điều chỉnh giảm. Mặc dù vẫn có sự phân hóa nhưng cơ hội kiếm lợi nhuận sẽ hẹp hơn”, ông Du nói. “Do vậy, sự điều chỉnh nếu có trong tháng 4 cũng là cơ hội tốt để thị trường thanh lọc các cổ phiếu có khả năng hồi phục và tăng trưởng trong tương lai thật sự với các cổ phiếu hồi phục giả tạo về giá”
Ông Du cho rằng, các thông tin liên quan tới nới room có thể sẽ tác động mạnh đến thị trường. Nếu việc nới room được thông qua, đó sẽ là nhân tố giúp thị trường thay đổi cục diện, tất nhiên là theo hướng khởi sắc hơn.
Ở một góc độ khác, trong tháng 4, nhóm cổ phiếu sắt thép và xi măng có thể bị tác động tiêu cực nhất bởi thông tin tăng giá điện. Trong khi đó, các cổ phiếu nhỏ đã tăng nóng trong thời gian qua sẽ khá rủi ro khi báo cáo tài chính quý I được công bố. Ngược lại, nhóm các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản vẫn là “xương sống” của thị trường và tiếp tục thu hút được dòng tiền.
Nhìn thận trọng hơn, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược CTCK MB (MBS) cho rằng, theo chu kỳ các năm, tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng có giao dịch không mấy lạc quan và khả năng tạo đỉnh ngắn hạn có thể diễn ra như đã từng diễn ra trong năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, nếu xét về phân tích kỹ thuật, ông Sơn cho biết, vùng 600 và 610 sẽ là vùng cản mạnh trong ngắn hạn, nên khả năng tăng điểm nhẹ và đi ngang sẽ là xu hướng chính trong những tuần đầu của tháng 4.
Với tình hình vĩ mô đang tiến triển theo chiều hướng tích cực, cùng với lãi suất giảm, tháng 4/2014 sẽ là thời điểm dòng tiền ngắn hạn trở lại thị trường.