Trong tháng 3, TTCK liên tục giảm điểm, thanh khoản ở mức thấp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, quy định chặt chẽ về hoạt động cho vay đầu tư cổ phiếu tại các ngân hàng thương mại và CTCK, khiến NĐT lo ngại dòng tiền trên thị trường yếu đi.
Thông tư 210/2012/TT-BTC về thành lập và hoạt động CTCK đang được sửa đổi cũng gây quan ngại nhất định đến giới đầu tư. Đặc biệt, hàng trăm DNNN sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm nay, tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, khiến một bộ phận NĐT dành tiền để tham gia đấu giá, nhưng không ít người lo ngại nguồn cung tăng quá nhanh.
Trong khi đó, thời gian qua, khối NĐT nước ngoài liên tục có động thái bán ròng với giá trị lớn và tập trung vào các cổ phiếu blue-chip, đặc biệt là các mã vốn hóa lớn, đóng vai trò dẫn đắt trên thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, dòng tiền tham gia TTCK tháng 4/2015 sẽ tiếp tục thận trọng. Khi sự hứng khởi và lạc quan của các NĐT chưa quay trở lại thì giao dịch trên thị trường khó có thể diễn ra theo một “tiết tấu” sôi động.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, thị trường có cơ hội thoát ra khỏi cơn sóng giảm trong tháng 4 này. Thứ nhất, nền kinh tế vĩ mô đang có nhiều tín hiệu khởi sắc, GDP quý I tăng 6,03%, xuất phát từ sự hồi phục của hầu hết lĩnh vực trong nền kinh tế.
Thứ hai, mùa ĐHCĐ diễn ra trong tháng 4 sẽ đem đến cho NĐT thông tin mới về kết quả kinh doanh quý I/2015 cũng như những kế hoạch mà doanh nghiệp sẽ triển khai trong năm 2015.
Thứ ba, khối NĐT nước ngoài đã chậm lại đà bán ròng trong 2 phiên cuối cùng của tháng 3 và chuyển sang mua ròng đáng kể trong 2 phiên đầu tháng 4. Động thái này cần được theo dõi thêm, nhưng đây là tín hiệu khá tốt để NĐT có kể kỳ vọng về một chu kỳ giải ngân mới của khối ngoại.
Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất tại mọi thời điểm tạo nền tảng cho thị trường đó là tâm lý thì hiện nay, tâm lý NĐT đã ổn định hơn. Tất nhiên, cần có thêm thời gian để NĐT tự tin quay trở lại thị trường sau chuỗi các phiên giao dịch “u ám” trong tháng 3. Thực tế, mùa ĐHCĐ năm nay đang bắt đầu với một số thông tin tốt được doanh nghiệp công bố, nhưng NĐT vẫn khá thờ ơ.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) cho rằng, sự lạc quan của các NĐT trong nước trong giai đoạn đầu năm là lực đẩy chính để VN-Index tiến đến vùng 600 điểm vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, tăng xấp xỉ 10% so với cuối năm 2014.
Mặc dù vậy, với nhiều nguyên nhân dẫn đến bất ổn tâm lý NĐT, thị trường đã trượt dốc mạnh trong tháng 3. Trong đó có việc NĐT lo ngại Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm tăng lãi suất và đồng USD có diễn biến tăng giá, điều này gây áp lực làm giảm giá VND.
Tuy nhiên, FED đã có những phát biểu trấn an và nhiều nhà nghiên cứu nhận định, FED sẽ không tăng lãi suất đồng USD cho tới cuối quý III/2015. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã công bố sẽ tiếp tục có những chính sách ổn định tỷ giá USD/VND. Điều này giúp ổn định phần nào tâm lý NĐT nước ngoài và khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng trong thời gian tới, hỗ trợ thị trường có những diễn biến khởi sắc hơn.
Một yếu tố đáng chú ý đối với thị trường hiện tại nhiều cổ phiếu đã giảm giá mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, nguy cơ tiếp tục giảm trong thời gian tới không cao, nhiều khả năng sẽ sớm “bật dậy”.
Mặc dù vậy, theo đánh giá chung, thị trường tháng 4 sẽ dao động trong xu hướng tăng nhẹ. Diễn biến giao dịch có thể sẽ khá “khó chịu” khi thiếu sự bứt phá rõ ràng và thanh khoản có lẽ vẫn ở mức thấp. Tất nhiên, thị trường tiếp tục phân hóa khi kết quả kinh doanh quý I/2015 của các doanh nghiệp lần lượt được công bố.