Chứng khoán tăng mạnh trong ngày Big Sale

Chứng khoán tăng mạnh trong ngày Big Sale

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm nay ngày 6.6 là ngày các nhà bán lẻ, các sàn thương mại điện tử rầm rộ triển khai chương trình Big Sale - giảm giá mạnh, nhưng "chợ" chứng khoán lại có phiên tăng mạnh, đưa VN-Index lên mức đóng cửa cao nhất hơn 4 tháng.

Thêm một phiên tăng điểm tốt của thị trường nhờ các bluechip nới đà đi lên, giúp VN-Index tổng cộng tăng hơn 10 điểm lên mức cao nhất ngày tại 1.108,31 điểm. Thanh khoản tuy có suy giảm so với phiên hôm qua, nhưng giao dịch trên bảng điện tử nhìn chung khá tích cực, nhất là trong phiên chiều.

Điểm nhấn trong phiên này thuộc về cổ phiếu VND, khi khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 52,2 triệu đơn vị, giá cổ phiếu vọt lên mức trần +6,9% lên 19.300 đồng, là mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Mới đây VNDirect đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, dự kiến diễn ra vào ngày 17/6 tới đây.

Theo đó, tờ trình đáng chú ý nhất là việc trình Đại hội kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 5%. Nếu tờ trình được thông qua, đây sẽ là năm đầu tiên VND không chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong 5 năm gần nhất.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, VNDirect đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022. Trong quý I/2023 vừa qua, VNDirect mới chỉ đạt 135,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 82% so với quý I/2022, và như vậy chưa hoàn thành 10% mục tiêu năm 2023.

Với phiên tăng trần hôm nay, vốn hóa của VND đã vượt 23.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD, góp mặt trong top 40 cổ phiếu vốn hóa cao nhất sàn HOSE.

Về diễn biến chỉ số, sau phiên sáng có phần ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều với lực bán có phần gia tăng, đẩy VN-Index về gần tham chiếu. Tuy nhiên, dòng tiền đã nhập cuộc tự tin hơn từ đây giúp bảng điện tử khởi sắc với sắc xanh chiếm ưu thế, trong khi đó, các trụ cột của phiên sáng như cặp đôi VHM-VIC nới đà tăng đôi chút, cộng thêm nhóm cổ phiếu ngân hàng bật dậy, với VCB đảo chiều tăng đã thúc đẩy VN-Index tiến lên 1.105 điểm và tiếp tục nhích lên đôi chút trong phiên ATC.

Đóng cửa phiên này, sàn HOSE có 262 mã tăng và 121 mã giảm, VN-Index tăng 10,49 điểm (+0,96%), lên 1.108,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 842,7 triệu đơn vị, giá trị 15.642,4 tỷ đồng, giảm 11% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 1.297 tỷ đồng.

Như đã đề cập, một số cổ phiếu lớn đóng góp lớn nhất cho thị trường hôm nay là cặp đôi VIC-VHM, cũng như VCB với gần 4 điểm tích cực.

Theo đó, VHM +2,4% lên 55.000 đồng, VIC +2,1% lên 53.200 đồng, VCB +1% lên 99.000 đồng.

Các bluechip khác tăng tốt còn có SSI +4,4% lên 25.150 đồng, GVR +2,2% lên 18.750 đồng và các mã ngân hàng MBB +3,3% lên 20.450 đồng, TCB +2,5% lên 32.700 đồng.

Sắc xanh cũng hiện diện nhiều hơn trong rổ VN30, ngoài các mã trên thì VRE, VJC, STB, BVH, GAS, MWG, VIB, PDR nhích từ khoảng 1% đến 1,7%.

Trong đó, SSI là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất, dẫn đầu nhóm và đứng thứ hai thị trường với 34,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đà tăng của VND và SSI đã giúp cổ phiếu các công ty chứng khoán khác có được mức tăng khá, với VIX +4,8% lên 10.450 đồng, ORS +4,6% lên 14.850 đồng, FTS +3,3% lên 29.750 đồng, VDS +3,3% lên 12.500 đồng, HCM +3,2% lên 27.700 đồng, BSI +2,8% lên 33.500 đồng, CTS +2,7%, APG +2,5%,VCI +2,5%.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán có phiên tăng mạnh trong ngày mà Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) công bố, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.745 tài khoản chứng khoán mới trong tháng 5, gấp gần 5 lần tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2022.

Các cổ phiếu đơn lẻ khác trên sàn đáng chú ý là QCG khi giữ giá trần +6,9% lên 8.680 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị, tương tự khác ở nhóm bất động sản là CRE và DLG khi cũng đã tăng trần lên 9.300 đồng và 3.120 đồng, khớp lần lượt 2,1 triệu và 5,34 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu khác ở các nhóm bất động sản, xây dựng, dịch vụ, cảng biển, nông nghiệp, nguyên vật liệu tăng mạnh như PGD, DAG, ABS, PTL, GEX, DXS, JVC, VNE, TDC, ITA, ILB, BMP, NHA, MSH có mức tăng từ 3% đến 6%.

Ở chiều ngược lại, không nhiều cổ phiếu giảm đáng chú ý, ngoại trừ SRF, khi có lúc đã tăng trần, nhưng bất ngờ quay đầu giảm sàn khi đóng cửa -6,8% xuống 10.250 đồng, nhưng khớp lệnh chỉ hơn 67.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, đà tăng của một số mã lớn cũng đã giúp HNX-Index bật lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày sau khi chớm chạm tham chiếu trước đó.

Chốt phiên, sàn HNX có 117 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 2,16 điểm (+0,95%), lên 228,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 130 triệu đơn vị, giá trị 1.941,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 19,2 triệu đơn vị, giá trị 255,5 tỷ đồng.

Những cổ phiếu tăng mạnh nhất có ITQ, AAV, MST và NRC, khi đều đóng cửa ở mức giá trần, với NRC khớp lệnh tốt nhất khi có gần 4,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cổ phiếu các công ty chứng khoán cũng nổi bật với SHS +5,8% lên 12.700 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 41,4 triệu đơn vị, HBS +5,6% lên 7.500 đồng, IVS +5,6% lên 7.500 đồng, WSS +4,6% lên 6.800 đồng, MBS +3,3% lên 18.800 đồng, EVS +3% lên 13.600 đồng.

Các mã khác như DL1, LIG, MBG, DST, AMV, DDG nhích từ 2% đến 4%, trong khi tăng mạnh khác còn có TTH +6,7% lên 3.200 đồng, CVN +7,1% lên 4.500 đồng, DVG +7,3% lên 4.400 đồng, IPA +7,8% lên 18.000 đồng.

Trên UpCoM, lực cầu tích cực hơn đôi chút cũng đã giúp UpCoM-Index đóng cửa vững vàng trên tham chiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,39%), lên 84,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,1 triệu đơn vị, giá trị 702 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,48 triệu đơn vị, giá trị 123,5 tỷ đồng.

Các mã nhỏ VHG, KVC và HHG hoạt động tốt nhất khi đều tăng trần, khớp từ 2,3 triệu đến 8 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR về tham chiếu tại 17.600 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 8,28 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2306 tăng 8,6 điểm, tương đương +0,82% lên 1.096,1 điểm, khớp lệnh hơn 154.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 50.100 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có ba mã khớp lệnh cao nhất với 1,31 triệu đến 1,38 triệu đơn vị. Theo đó, CMWG2302 tăng 3,4% lên 300 đồng/cq, CMWG2214 đứng tham chiếu tại 320 đồng/cq và CHPG2227 giảm 2,9% xuống 2.040 đồng/cq.

Tin bài liên quan