Phố Wall lập kỷ lục mới trong phiên đầu tháng 7 nhờ dữ liệu kinh tế khả quan - Ảnh: Reuters

Phố Wall lập kỷ lục mới trong phiên đầu tháng 7 nhờ dữ liệu kinh tế khả quan - Ảnh: Reuters

Chứng khoán tăng mạnh nhờ dữ liệu kinh tế tích cực

(ĐTCK)  Dữ liệu kinh tế khả quan giúp chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 và Phố Wall lại thiết lập mức cao kỷ lục mới.

Chỉ số PMI do Công ty Markit vừa công bố cho thấy, chỉ sô PMI trong tháng 6 của Mỹ tăng lên mức 57,3, dù thấp hơn mức sơ bộ ban đầu 57,5, nhưng đây vẫn là mức cao nhất kể từ tháng 5/2010.

Trong khi đó, một báo cáo của Viện quản lý nguồn cung cho thấy, chỉ số hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 6 đứng ở mức 55,3, ít thay đổi so với mức 55,4 của tháng 5.

Những thông tin kinh tế tích cực trên, cùng với tin tức kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản vừa công bố cũng khá tích cực, giúp Phố Wall tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7. Dù Dow Jones thất bại khi chinh phục mốc cản tâm lý 17.000 điểm, nhưng chỉ số này, cùng với S&P 500 vẫn đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới. Đây là lần thứ 23 trong năm nay, S&P 500 thiết lập đỉnh cao mới.

Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Dow Jones tăng 129,47 điểm (+0,77%), lên 16.956,07 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,09 điểm (+0,67%), lên 1.973,32 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 50,47 điểm (+1,14%), lên 4.458,65 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch tích cực đầu tháng nhờ các dữ liệu kinh tế khả quan trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Kinh tế khu vực đồng euro cũng tăng trưởng, nhưng bị tác động do kinh tế Đức, đầu tàu của khu vực tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, chỉ số PMI của Liên minh châu Âu đứng ở mức 51,8 trong tháng 6 từ mức 52,2 trong tháng 5.

Kết thúc phiên 1/7, chỉ số FTSE tại Anh tăng 58,98 điểm (+0,87%), lên 6.802,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 69,34 điểm (+0,71%), lên 9.902,41 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 38,28 điểm (+0,87%), lên 4.461,12 điểm.

Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng có phiên giao dịch tích cực đầu tháng nhờ dữ liệu kinh tế khả quan. Theo công bố của HSBC/Markit, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng lên mức 50,7 trong tháng 6 từ mức 49,4 của tháng 5.

Trong khi đó, sản xuất tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng tăng lên trong tháng 6 do được thúc đẩy bởi nhu cầu cải thiện ở nhà.

Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 164,41 điểm (+1,08%), lên 15.326,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 2,05 điểm (+0,10%), lên 2.050,38 điểm.

Dữ liệu kinh tế khả quan khiến giá vàng không còn vọt tăng như phiên trước đó, mà đi ngang lình xinh trong suốt phiên giao dịch ngày 1/7 và đóng cửa giảm nhẹ so với đóng cửa của phiên trước.

Kết thúc phiên 1/7, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD (-0,06%), xuống 1.326,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 4,6 USD (+0,35%), lên 1.326,6 USD/ounce.

Dù dữ liệu kinh tế khả quan, hỗ trợ cho giá dầu, nhưng giá nhiên liệu này không thể tăng trở lại trong phiên đầu tháng 7.

Kết thúc phiên 1/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,03 USD (-0,03%), xuống 105,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,07 USD (-0,06%), xuống 112,29 USD/thùng.

Tin bài liên quan