Chứng khoán tăng giảm thất thường, vì đâu?

Chứng khoán tăng giảm thất thường, vì đâu?

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố kỳ vọng hay tâm lý chi phối, thị trường dễ đi đến trạng thái quá đà theo cả hai hướng là quá mua và quá bán.

Giá “chạy” quá nhanh

Có không ít lý lẽ đã được đưa ra để giải thích cho diễn biến điều chỉnh giảm mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Chỉ số VN-Index có những phiên lao dốc 20 - 30 điểm, thậm chí mất hơn 40 điểm/phiên.

Ý kiến từ nhiều chuyên gia cho rằng, trước đó, mặt bằng giá cổ phiếu tăng quá nhanh so với thực lực tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như lợi nhuận mà doanh nghiệp làm ra, là nguyên nhân chính khiến thị trường xuất hiện các phiên lao dốc.

Theo ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán An Phát (APG), trong lịch sử 18 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, hiếm khi nào chứng kiến tình trạng nhiều cổ phiếu bluechips trong một thời gian ngắn lại tăng giá tới 2 - 3 lần như khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến đầu tháng 4 năm nay, trong khi môi trường kinh tế nói chung, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không thực sự đột biến.

“Tăng giá kiểu đó thì kiếm tiền dễ thế sao? Chính điều này cùng với việc thị trường bước vào giai đoạn vắng bóng thông tin hỗ trợ nên sau khi VN-Index đạt ngưỡng 1.200 điểm đã nhiều phiên rơi tới 20 - 30 điểm/phiên”, ông nói và nhìn nhận, sự điều chỉnh của thị trường hiện tại là hợp lý, không có gì bất thường. Có điều, nếu như ban đầu nhà đầu tư không khỏi… choáng khi VN-Index đột ngột “bốc hơi” 20 - 30 điểm/phiên, thì nay đã quen dần với trạng thái này.

“Đợt điều chỉnh của thị trường nhiều khả năng sẽ kéo dài sang tháng 5”, ông Hà dự báo.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, thống kê kết quả kinh doanh quý I/2018 của 388 doanh nghiệp niêm yết đã công khai đến thời điểm này cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 29,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức tăng trưởng của cả năm 2017 là 25%.

Tuy nhiên, giá một số cổ phiếu vốn hóa lớn trước đó đã tăng nhanh dựa trên kỳ vọng, mà không dựa trên yếu tố cơ bản cốt lõi là tăng trưởng của doanh nghiệp. Khi yếu tố kỳ vọng hay tâm lý chi phối, thị trường dễ đi đến trạng thái quá đà theo cả hai hướng là quá mua và quá bán. Trạng thái thị trường này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Sau giai đoạn quá đà đó, thị trường sẽ có giai đoạn điều chỉnh.

“Thị trường sẽ điều chỉnh cho đến khi tương quan giá cổ phiếu và lợi nhuận của doanh nghiệp đạt được điểm cân bằng”, ông Linh nói.

Rủi ro tăng với margin

Trước khi VN-Index giảm từ trên 1.200 điểm ngày 9/4/2018 xuống ngưỡng 1.040 điểm hiện nay, trạng thái lên điểm của thị trường, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, có sự góp sức của dòng tiền giao dịch ký quỹ (margin). Điều này thể hiện qua giá trị cho vay margin tại nhiều công ty chứng khoán tăng cao.

Theo ông Linh, khi thị trường đảo chiều đi xuống, nhu cầu bán ra cổ phiếu để giải tỏa gánh nặng margin gây sức ép lên thị trường, nhất là trong những phiên thanh khoản không cao. Tuy nhiên, áp lực này không lớn. Bởi lẽ, trước khi thị trường điều chỉnh giảm, nhiều nhà đầu tư đã chủ động bán cổ phiếu để giảm sức ép margin, cũng là để giảm rủi ro.

Mặc dù vậy, với diễn biến giảm mạnh của một số mã cổ phiếu, rất có thể tỷ lệ margin tại các mã này đã chạm ngưỡng xử lý và công ty chứng khoán bán ra để thu hồi nợ.

Theo ông Hà, trong bối cảnh thị trường khó đoán định như hiện tại, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi sử dụng dòng tiền đầu tư từ vay margin mới, vì tiềm ẩn rủi ro lớn. Với những trường hợp đang “kẹt” margin, thì nên tranh thủ nhịp hồi phục của thị trường xử lý, nhằm giảm thiểu nguy cơ thua lỗ.

Thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế được nhận định sẽ tiếp tục vận động theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc sắp tới sẽ lặp lại xung lực hỗ trợ cho sự lên điểm quá đà của chỉ số chứng khoán như thời gian qua. Bài học từ sự thua lỗ hiện tại sẽ không dễ quên với nhà đầu tư.

Tin bài liên quan