Sau khi tăng vọt trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư phản ứng với việc kế hoạch giảm thuế được thông qua và một kế hoạch chi tiêu ngắn hạn cũng được thông qua, giúp Chính phủ Mỹ không phải đóng cửa, phố Wall đã đồng loạt đảo chiều giảm nhẹ trong phiên cuối tuần khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký để kế hoạch giảm thuế chính thức thành luật.
Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Dow Jones giảm 28,23 điểm (-0,11%), xuống 24.754,06 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,23 điểm (-0,05%), xuống 2.683,34 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,40 điểm (-0,08%), xuống 6.959,96 điểm.
Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Mỹ tiếp tục có tuần tăng tiếp theo, dù đà tăng khiêm tốn hơn so với tuần trước đó. Cụ thể, Dow Jones và S&P 500 có tuần tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng lần lượt 0,42% và 0,28% (tuần trước 2 chỉ số này tăng 1,33% và 0,92%); trong khi Nasdaq cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,34% (tuần trước tăng 1,41%).
Chứng khoán châu Âu cũng giảm trở lại trong phiên thứ Sáu khi nhà đầu tư phản ứng với kết quả bầu cử vùng tại Catalonia với phần thắng nghiên về các đảng ly khai, châm ngòi lại cuộc căng thẳng chính trị tại Tây Ban Nha.
Kết thúc phiên 22/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,32 điểm (-0,15%), xuống 7.592,66 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 36,95 điểm (-0,28%), xuống 13.072,79 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 21,25 điểm (-0,39%), xuống 5.364,72 điểm.
Dù có được tiếng nói chung trong 3 phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu tiếp tục có sự trái chiều trong tuần qua. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 1,36%, tương đương tuần trước, trong khi chỉ số DAX có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm 0,23% sau khi giảm 0,38% tuần trước đó, còn chỉ số CAC đảo chiều tăng 0,29% sau khi mất 0,92% tuần trước đó.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh nhẹ, còn lại chứng khoán Nhật Bản và chứng khoán Hồng Kông đều tăng, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh nhờ nhóm cổ phiếu tài chính, bất động sản và công nghệ thông tin.
Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 36,66 điểm (+0,16%), lên 22.902,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 210,95 điểm (+0,72%), lên 29.578,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,70 điểm (-0,08%), xuống 3.297,36 điểm.
Dù có một số phiên khó khăn, nhưng chứng khoán châu Á đã đồng loạt đảo chiều tăng điểm mạnh trở lại trong tuần qua. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,55% sau 2 tuần giảm liên tiếp; chỉ số Hang Seng cũng tăng mạnh 2,53% sau khi giảm mạnh 2,67% tuần trước đó; chỉ số Shanghai Composite quay đầu tăng 0,96% sau 5 tuần giảm liên tiếp.
Trong khi chứng khoán quay đầu giảm nhẹ, thì giá vàng tiếp tục tăng, thậm chí tăng mạnh trong phiên cuối tuần khi đồng USD đang ở mức thấp, rủi ro chính trị gia tăng trở lại ở Tây Ban Nha và đồng tiền ảo Bitcoin lao dốc.
Với các thông tin hỗ trợ như trên, giá vàng đã tăng vọt lên mức cao nhất 2 tuần trong phiên cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 22/12, giá vàng giao ngay tăng 8,4 USD/ounce (+0,66%), lên 1.274,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 7,7 USD/ounce (+0,61%), lên 1.275,0 USD/ounce.
Giá vàng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với biên độ tăng mạnh hơn tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,55 và giá vàng tương lai tăng 1,53% (tuần trước, giá vàng lần lượt tăng 0,55% và 0,79%).
Với đà tăng hiện tại, cùng với các thông tin hỗ trợ liên tiếp vừa xuất hiện, cả giới phân tích và các nhà đầu tư đều tiếp tục lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần mới, nhưng mức độ lạc quan có sự đổi chỗ cho nhau.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, tuần này có 19 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 11 người, chiếm 58% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn con số 68% của tuần trước; chỉ có 4 người, chiếm 21% dự báo giảm, tương đương tuần trước và 4 người còn lại, chiếm 21% có quan điểm trung lập.
Trong khi đó, trong cuộc tham dò trực tuyến, có 513 lượt người tham gia, chưa bằng một nửa so với tuần trước, trong đó có 306 lượt, chiếm 68% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn con số 57% của tuần trước; 142 lượt dự báo sẽ giảm, chiếm 28% và 65 lượt có quan điểm trung lập, chiếm 13%.
Tương tự, giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần khi nhà sản xuất lớn nhất OPEC và Ả Rập Xê út và Nga cho biết, bất kỳ sự rút lui nào khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ được thực hiện từng bước.
Kết thúc phiên 22/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,11 USD (+0,19%), lên 58,47 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,35 USD (+0,54%), lên 65,25 USD/thùng.
Với các thông tin hỗ trợ liên tiếp được đưa ra, giá dầu thô đã hồi phục mạnh trong tuần qua sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 2,04%, còn giá dầu thô Brent tăng tới 3,19%.