Kết thúc mùa giải VFF 2012 vừa rồi, có người bảo bóng đá xứ Việt và thời trang có mối liên hệ mật thiết với nhau vì đều nặng tính trình diễn. Trong nỗi niềm nhân ngày phụ nữ vừa rồi, mình lại thấy ngành chứng khoán với thời trang mới thực là ruột rà, thân thiết…
Mới nghe qua tưởng nói đùa. Sàn catwalk đèn màu lấp lóa, giai xinh gái đẹp. Còn sàn chứng lao tâm khổ tứ, sặc mùi bạc tiền... Nhưng thế mà lại đúng. Sau đây là các lý do.
Đầu tiên, sàn chứng và sàn catwalk, sàn thì đâu cũng là chỗ để diễn. Chỉ có điều, sàn catwalk, khán giả chỉ ngồi xem; còn sàn chứng, khán giả kiêm cả diễn viên quần chúng. Còn các diễn viên chính trình diễn bộ môn nghệ thuật có tên gọi “làm xiếc”.
Biểu hiện thứ hai để nhận diện mối quan hệ này là màu sắc. Xanh đỏ tím vàng, bốn màu cơ bản, sàn nào cũng có. Cuộc chiến thời trang là cuộc chiến của những nhà thiết kế? Không phải! Vậy là cuộc chiến của các thợ may? Không phải! Hay cuộc đấu tranh của các cô người mẫu? Cũng không phải nốt! Thực ra, thời trang là sàn diễn của các thợ nhuộm! Nếu bạn đi ngoài phố và muốn phân biệt các cô gái, chắc chắn bạn sẽ nói: em áo đỏ, em áo xanh, em áo vàng…
Còn sàn chứng khoán là cuộc chiến của các nhà đầu tư? Không phải. Của các DN niêm yết? Cũng không nốt. Của các nhà quản lý. Lại càng không. Đó chính là cuộc chiến giữa những… người đàn bà. Không tin, lên sàn bạn cứ thử lắng tai nghe. Ta sẽ thấy những tiếng xuýt xoa: may quá ôm được một em chân dài; úi giời, con kia lau sàn rồi. Chẳng nghe ai nói, “thằng” hay “lão” cổ phiếu kia cả. Như vậy, có thể khẳng định, về bản chất, chứng khoán và thời trang đều thuộc giống cái.
Nhưng đó chỉ mới là sự giống nhau về hình thức, chứ “gen” cơ bản để khẳng định chứng khoán với thời trang có quan hệ ruột thịt chính là sự quay vòng.
Thời trang thì quá dễ, hết loe lại túm, hết túm lại loe. Còn bản chất “tít mù vòng quanh” của chứng khoán? Phải chăng là tiền - cổ - tiền…? Không phải. Hay là nhịp điệu được - mất - được - mất? Cũng không... Còn nhớ chuyện mươi năm trước lãnh đạo ngành chứng còn phải đi năn nỉ DN lên sàn. Thế rồi đến giai đoạn các bác DN vật vã xin xỏ, mánh lới lên sàn bằng được. Còn bây giờ, người ta lại ồ ạt, “quan họ nghỉ chúng em ra về”. Làm ăn xấu thì cù nhầy để xuống đã đành. Làm ăn tốt cũng dứt khoát ra đi. Lý do là chả thấy lợi ích của việc lên sàn ở đâu. Chỉ trộm nghĩ rằng, nếu cứ chỉ thấy lợi mới ùa vào thì khác gì con thiêu thân lao vào ánh đèn màu lấp lóa? Vài năm nữa, biết đâu người ta lại vật vã chen nhau lên sàn!
Xét về công phu tu tập, cứ xem các cuộc thi người mẫu trên truyền hình thì biết, để luyện được đi đứng, các em, các cháu khổ ải, vất vả lắm. Mặt phải vênh, chân phải thẳng, ngực phải ưỡn… vân vân và vân vân… Kể cả có trót ngã thì cũng phải hất mặt lên mà tạo dáng, coi như ngã là một phần tất yếu của buổi diễn.
Ngài thị trường cũng có hai cái chân. Cái chân hữu hình và cái chân vô hình. Nếu hai chân không tiến nhịp nhàng thì ngài không tiến lên được. Nếu hai chân tiến cùng một nhịp thì thành nhảy cóc, tưởng dài mà mệt. Nếu hai chân cùng nhảy lùi một nhịp thì hóa ra nhảy cóc ngược, vừa dễ ngã vừa khó đứng. Hai chân một bước dài, một bước ngắn thì vừa mệt và cả thị trường đi lặc lè và chả về đâu. Còn nếu hai chân mỗi chân dạng một nơi thì có vẻ giống nhà đầu tư nhỏ như mình. Lấm lưng trắng bụng, ngã là một phần tất yếu khi tham gia.
Thời chứng khoán thăng hoa, có biết bao áng văn, áng thơ ca ngợi các bluechip được gọi là chân dài, những em hừng hực sức sống được gọi “cổ phiếu điên”. Rồi thì tờ báo này bình “Người đẹp của tháng”, cơ quan kia chọn “người đẹp của năm”… Rầm rộ chả khác gì các cuộc thi Hoa khôi xóm trên, Hoa khôi xóm giữa, Người đẹp gánh lúa, Người đẹp chèo thuyền, Hoa hậu làng tôi…
Khi “Vũ điệu đường cong” trên sàn theo chiều hướng xuống thì các cuộc thi hoa khôi ấy cũng hiếm dần. Thay vào đó là “Coi chừng ‘uất’ vì cổ tức; “Tháo chạy khỏi sàn: DN cù nhầy để bị đuổi” hay là “Thoái vốn hay “thoát xác”?... Một ông hoàng tạo mẫu từng nói, “Thời trang là biến những điều vô lý trở thành có lý”. Chứng khoán Việt cũng đầy rẫy những điều vô lý trở thành có lý chính là vì vậy.
Đi sâu vào bản chất thì tính ước lệ của thời trang là rất cao. Đa số các bộ sưu tập chẳng thể đem ra mặc ngoài đường. Trên TTCK, tính ước lệ cũng rất rõ. Tiền của mình chưa chắc đã là của mình, mà có khi của ông bên cạnh. Cổ của mình nay đang đắt như tôm tươi, mai có khi phải cất đi để… làm kỷ niệm. Chưa kể, có những lời hứa cũng mang đầy… tính ước lệ.
Làm đẹp là thiên chức của phụ nữ. Nhưng chị em có chăm chút cho tủ giày, tủ váy của mình thì cùng lắm cũng chỉ bằng cái cách mà các CTCK chăm chút cho “kho hàng” khi muốn leo lên hàng Tóp nhờ bán khống. Người mẫu Xuân Lan, Trưởng giải Nếc Tóp từng bảo rằng, “phụ nữ mà không xài hàng hiệu kể như không có tương lai”. Trong khi đó, tổng giám đốc một quỹ ngoại lại băn khoăn, “làm sao tiêu hết 100 triệu đô ở sàn chứng khoán Việt”. Băn khoăn về tương lai của người giàu sướng thật. Chả cứ chứng khoán hay thời trang.
Cuối cùng, theo một nguồn sử liệu chưa được kiểm chứng, chứng khoán xuất hiện vào thế kỷ 15 ở TP. Bruges, nước Bỉ, khi các thương nhân buôn bán vải vóc, lông thú… giao dịch với nhau bằng các tờ giấy hẹn ngày giao hàng. Vì vậy, có thể khẳng định, chứng khoán xuất thân từ thời trang vì lẽ ấy.