Nền kinh tế Singapore, vốn được đánh giá không chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bất ngờ tăng trưởng giảm 3,4% trong quý II/2019 so với quý trước đó, chỉ tăng 0,1%. Diễn biến này đi ngược lại mọi đánh giá của giới chuyên gia, bởi kinh tế Singapore tăng trưởng 3,8% trong quý I và dự báo tiếp tục leo dốc thêm 0,5% trong quý II.
Trước biến động mới này, trong tuần qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Singapore năm 2019 xuống còn 2%, so với mức 2,3% được đưa ra trước đó.
Tăng trưởng kinh tế Singapore và thị trường chứng khoán ngày càng tách biệt.
Bất chấp biến động tiêu cực của nền kinh tế, Chỉ số Straits Times vẫn giữ vững đà leo dốc và đã tăng 9% kể từ đầu năm tới nay. Ðây là một trong những chỉ số chứng khoán có màn biểu diễn tốt nhất tại khu vực Ðông Nam Á và được kỳ vọng sẽ duy trì xu hướng này cho tới hết năm.
Nguyên nhân đằng sau đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Singapore là việc có hơn một nửa trong số 30 doanh nghiệp thuộc chỉ số Straits Times có hoạt động chủ yếu bên ngoài lãnh thổ, với doanh thu ngoài biên giới đóng góp ít nhất 50% tổng doanh thu, theo số liệu của Bloomberg. Ðiều này giúp hoạt động của các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế chung tại Singapore, trong khi đóng góp tích cực vào đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán nước nhà.
Ðây cũng là một trong những đặc điểm đáng chú ý của thị trường chứng khoán Singapore. Carmen Lee, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư của Oversea-Chinese Banking Corp nhận định: “Với việc ngày càng nhiều công ty phân tán hoạt động tại nước ngoài và có tỷ trọng doanh thu tại hải ngoại lớn, thị trường chứng khoán Singapore đã có sự chia tách ra khỏi nền kinh tế. Như vậy, các doanh nghiệp có khả năng tự vệ tốt hơn trước biến động của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Singapore cũng trở nên mạnh mẽ hơn”.
Chứng khoán Singapore đang mang lại lợi suất tốt bậc nhất trong khu vực.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra, nền kinh tế Singapore không chỉ bất ngờ giảm tốc, mà xuất khẩu cũng lao dốc trong tháng 6, nhất là với hàng điện tử, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 2 năm qua, biến quý II/2019 trở thành quý tệ nhất đối với Singapore kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Thị trường chứng khoán và nền kinh tế Singapore là 2 thực thể khác biệt và điều này đã diễn ra được một thời gian. Ða phần các công ty niêm yết tại Singapore, điển hình là các nhà băng và các công ty viễn thông đều là các tay chơi trên thị trường châu Á, không chỉ tại quê nhà”, Daryl Liew, người quản lý danh mục đầu tư tại Reyl & Cie cho biết.
Ðáng chú ý, “tiền mặt là vua” đối với các nhà đầu tư chứng khoán tại Singapore, những người vẫn thường nhận được mức lợi tức ít nhất 4%/năm, ngay cả khi “sức khỏe” của thị trường chứng khoán không được tốt. Trong khi đó, con số này đối với chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương chỉ là 2,9%.
“Singapore là một trong số ít các thị trường tại châu Á đang giao dịch với P/E không quá cao, trong khi mức lợi suất mang lại rất tích cực”, Soek Ching Kum, người đứng đầu bộ phận Ðông Nam Á của Credit Suisse Group AG cho biết.
Sở dĩ nhà đầu tư tiếp tục duy trì cái nhìn lạc quan về thị trường, bất chấp việc nền kinh tế giảm tốc, còn bởi tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp được dự báo vào khoảng 4% năm 2019, so với mức giảm 21% năm 2018, dựa theo số liệu của Bloomberg. Theo đó, nhiều khả năng chỉ số Straits Times có thể tăng lên mức 3.450 điểm cho tới cuối năm, tương đương tăng thêm 2,6% so với thời điểm hiện tại.