Thị trường chứng khoán Singapore không hẳn đã phục hồi trở lại, nhưng ít nhất nó đã không còn mang dáng vẻ của một phiên chợ đìu hiu. Kể từ đầu năm tới nay, giá trị cổ phiếu giao dịch bình quân mỗi ngày tại SGX đạt 1,15 tỷ SGD (849 triệu USD), mức cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng 1/5 so với năm 2013, thời điểm trước khi scandal cổ phiếu penny hút cạn niềm tin vào thị trường. Theo đó, năm 2013, hàng loạt cổ phiếu penny trên SGX sụp đổ, các giao dịch bị dừng trong một thời gian dài (với 23 loại cổ phiếu không được giao dịch trong hơn 12 tháng).
Trong 4 năm qua, ông Tan Boon Gin, Giám đốc phụ trách vấn đề quy tắc tại SGX đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm khôi phục lại danh tiếng của sàn giao dịch, bao gồm cả việc theo đuổi vụ kiện doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Singapore.
Cụ thể, các luật sư của SGX tại Trung Quốc đã trình đơn kiện Chủ tịch Công ty China Fibretech Ltd, công ty có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, lên niêm yết trên SGX từ tháng 6/2008. Vào thời điểm chứng khoán của doanh nghiệp bị dừng giao dịch vào tháng 11/2015, giá trị thị trường của công ty nhuộm vải này đã bốc hơi 90%. Đây là lần đầu tiên SGX phải nhờ đến luật pháp Trung Quốc, nhằm bảo vệ các nhà đầu tư tại Singapore đã bị lừa dối trong những năm qua bởi các công ty thiếu đạo đức.
Bên cạnh đó, trong tháng 9, SGX đã hoàn tất quá trình chuyển giao bộ phận quy tắc sang Singapore Exchange Regulation, hay được gọi là SGX RegCo, một đơn vị mới theo mô hình của NYSE Regulation Inc. Ông Tan sẽ là người đứng đầu công ty con này.
Mặc dù SGX RegCo đang chập chững những bước đi đầu tiên, nhưng việc có một bộ phận hoàn toàn độc lập đã giải quyết được mâu thuẫn lợi ích bấy lâu giữa mục tiêu thương mại của sàn giao dịch và vai trò đưa ra quy định, luật lệ.
Hiện tại, với lĩnh vực kinh doanh, sàn giao dịch chứng khoán Singapore đang chứng kiến những dấu hiệu tích cực. Mức độ quan tâm của các thành viên thị trường đã hồi phục, với giao dịch sôi động nhất là các hợp đồng tương lai quặng sắt. Goldman Sachs Group Inc đã quyết định nâng hạng đánh giá đối với cổ phiếu sàn SGX từ “trung tính” sang “mua”, đồng thời nhận định nếu khối lượng cổ phiếu hoặc sản phẩm phái sinh trên sàn tăng 10% thì EPS của SGX sẽ tăng 7%.
Mục tiêu lớn nhất của SGX hiện nay chính là cải thiện thanh khoản để thu hút hàng mới, đồng thời giữ chân những doanh nghiệp đang niêm yết. Và mục tiêu này tỏ ra khó khăn khi trong tuần qua, tin xấu liên tiếp xuất hiện.
Theo đó, Osim International Ltd, nhà sản xuất ghế massage hàng đầu thế giới chuẩn bị bán cổ phiếu tại Hong Kong. Sea Ltd, đối tác xuất bản trò chơi di động của Tencent Holdings Lts, cũng bỏ qua thị trường quê nhà để tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.
Trong khi Cromwell Property Group (Australia), vốn có ý định niêm yết tài sản khu vực châu Âu tại Singapore, đã quyết định trì hoãn quá trình này.
Để thu hút thêm doanh nghiệp niêm yết mới, gần đây, SGX đã cho phép các công ty với cấu trúc cổ phiếu đa tầng (dual-class shares) có thể tiến hành niêm yết tại Singapore, nếu doanh nghiệp đã giao dịch cổ phiếu tại một thị trường phát triển. Điều này cho thấy suy nghĩ rộng mở đối với việc niêm yết cổ phiếu đa tầng, trong khi các sở giao dịch chứng khoán Hong Kong và London còn đang cân nhắc.
Một mục tiêu khó khăn khác của SGX là nâng cao giá trị cổ phiếu của chính mình, khi cổ phiếu này đang có giá bằng khoảng một nửa so với một thập kỷ trước. Theo các chuyên gia, để giải quyết hết những khó khăn và dần khôi phục lại hoạt động một cách tích cực, SGX sẽ cần nỗ lực rất lớn trong thời gian tới.