Còn nhớ, khi đối mặt với một khó khăn lớn và bất ngờ trong năm qua là giá dầu giảm sâu, đã có thời điểm những tưởng kế hoạch tăng trưởng GDP 2015 đạt 6,2% bị “vỡ”.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo giới tại cuộc họp Chính phủ tháng 2 vừa diễn ra, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết, con số vừa được chốt tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 là GDP năm 2015 đạt 6,68%.
Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua, trong khi nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, nhất là giá dầu và nông sản giảm mạnh (gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 5,4 - 5,5 tỷ USD)…
Với sự trợ giúp tích cực của kinh tế vĩ mô, dự báo TTCK Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trong khoảng từ tháng 3 - 8/2016 trước khi điều chỉnh vào cuối năm.
Bước vào năm 2016, nền kinh tế vẫn đối mặt với những khó khăn trên, nhưng dẫn con số tăng trưởng 6,68% năm 2015 để thấy, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo các ngành, các cấp bằng mọi biện pháp thực hiện quyết liệt để GDP năm nay đạt trên 7% là có cơ sở để hiện thực hóa, nhất là khi nhiều chỉ tiêu trụ cột của nền kinh tế đang trên đà tăng tích cực.
Theo đó, trong 2 tháng qua, xuất khẩu ước đạt 23,7 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 1,5 tỷ USD, lần lượt tăng 2,9% và 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 15/2 không chỉ tăng về lượng (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước), mà còn cho thấy cơ cấu nguồn thu tiếp tục có sự dịch chuyển tích cực theo hướng ngày càng ít phụ thuộc vào nguồn thu xuất khẩu dầu thô, khi thu nội địa tăng mạnh tới 12,8%. Với tín hiệu này, ngay cả khi giá dầu có thể giảm thêm, thì theo đánh giá của Bộ Tài chính, áp lực lên nguồn thu ngân sách sẽ ngày càng giảm.
Mặt khác, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 2 tháng qua vẫn tiếp tục ủng hộ cho triển khai thêm các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững, lành mạnh.
Ở một trụ cột khác có liên quan đến hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mà nếu tiếp tục tạo ra các bước cải cách hiệu quả sẽ hỗ trợ tích cực cho phát triển sản xuất - kinh doanh, là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ông Định cho hay, được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong chỉ đạo, điều hành thời gian tới.
“Trong năm qua và trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhưng trước mắt, còn rất nhiều việc phải làm và chúng ta còn tiếp tục cải thiện được nữa…”, ông Định nói.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế và vĩ mô thêm tích cực trong năm nay, cũng nằm trong dự báo của nhiều định chế tài chính trong và ngoài nước. CTCK BIDV (BSC) cho rằng, kinh tế vĩ mô dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt với mức 6,7 - 6,9% trong năm 2016. Ngoại trừ hai yếu tố có thể biến động tiêu cực là tỷ giá và lãi suất có thể tăng, các chỉ báo khác như CPI, FDI, tăng trưởng thương mại, tăng trưởng tín dụng... có triển vọng vẫn duy trì ổn định.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh đang được mở rộng, kết quả kinh doanh được cải thiện và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của thị trường dự báo tiếp tục tăng. Qua đó, sẽ giúp cho TTCK ổn định, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới. Với sự trợ giúp tích cực của kinh tế vĩ mô như vậy, dự báo TTCK Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trong khoảng từ tháng 3 – 8/2016 trước khi điều chỉnh vào cuối năm.
“Tích cực” là dự báo của BSC về diễn biến của thị trường trong tuần này, khi mà các chỉ số đồng loạt tăng nhẹ vào phiên cuối tuần trước. Lực cầu bắt đáy là yếu tố chính hỗ trợ cho tâm lý thị trường vào thời điểm hiện tại. Độ rộng thị trường khá tích cực, đặc biệt nhờ nhiều mã cổ phiếu trong nhóm vật liệu xây dựng và khoáng sản tăng.
Khối ngoại duy trì lực mua bán khá cân bằng trên các sàn. Trong tuần này, các chỉ số thị trường nhiều khả năng tiếp tục tăng. NĐT ưa mạo hiểm nên tiếp tục mua vào tại các nhịp điều chỉnh kỹ thuật, đồng thời cân nhắc chốt lời sớm khi có lãi và chờ mua lại tại các nhịp giảm.