Trong phiên cuối tuần trước, với đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghiệp và năng lượng khi giá dầu thô tăng hơn 2%, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng. Tuy nhiên, các chỉ số đã không thể giữ được mức cao nhất ngày và không thể lấy lại được hết những gì đã mất trong tuần sau thông tin mới nhất có liên quan tới cuộc điều tra về mối liên quan giữa Nga và chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump.
Tuần này, có nhiều yếu tố tác động mạnh tới thị trường. Đầu tiên là cuộc thử tiên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, làm gia tăng căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên, tiếp đến là cuộc công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ả Rập xê út, Isarel, Vatican và kết thúc là cuộc họp NATO tại Bỉ. Đây là chuyến đi để ông Trump đưa ra thông điệp và lấy lại hình ảnh của mình. Tuy nhiên, thông điệp của ông có thể sẽ phải cạnh tranh với lời khai của cựu Giám đốc FBI Jame Comey tại phiên điều trần trước Ủy ban Giám sát nhà ở và cải cách chính phủ của Quốc hội Mỹ.
Theo các chuyên gia phân tích, lời khai của ông Comey là rủi ro lớn nhất với thị trường trong tuần này.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng sẽ không quên biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư. Biên bản cuộc họp này sẽ cho biết khả năng hành động tiếp theo của Fed trong cuộc họp tháng 6 tới. Thị trường đang đánh giá có tới 74% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 tới và 44% cơ quan này sẽ tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm vào tháng 12. Trong lịch sử, Fed chưa bao giờ tăng lãi suất khi kỳ vọng của thị trường dưới 50%.
Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Dow Jones tăng 141,82 điểm (+0,69%), lên 20.804,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,01 điểm (+0,68%), lên 2.381,73 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,57 điểm (+0,47%), lên 6.083,70 điểm.
Dù phục hồi trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với những phiên giảm mạnh trước đó do lo ngại về khủng hoảng chính trị, phố Wall tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,44%, S&P 500 giảm 0,38%, chỉ số Nasdaq cũng quay đầu giảm 0,61%.
Chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua sau khi đồng loạt giảm trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu có quan hệ làm ăn với Brazil sau Scandal tham nhũng làm rung chuyển chính trường Brazil.
Kết thúc phiên 19/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,29 điểm (+0,46%), lên 7.470,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 48,63 điểm (+0,39%), lên 12.638,69 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 34,67 điểm (+0,66%), lên 5.224,40 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục có sự trái chiều trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, trong khi chỉ số FTSE 100 tiếp tục tăng 0,48%, thì chỉ số DAX quay đầu giảm 1,03% và chỉ số CAC 40 tiếp tục giảm với biên độ lớn hơn nhiều tuần trước đó khi mất 3,35% (tuần trước đó giảm 0,50%).
Tương tự, chứng khoán châu Á cũng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, mức tăng không quá mạnh do giới đầu tư còn lo lắng về bê bối chính trị tại Mỹ. Cũng giống với chứng khoán Âu, Mỹ, giới đầu tư chứng khoán châu Á cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro trong tuần này như căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên, khủng hoảng chính trị tại Mỹ và biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed.
Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 36,90 điểm (+0,19%), lên 19.590,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 38,35 điểm (+0,15%), lên 25.174,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,79 điểm (+0,03%), lên 3.090,93 điểm.
Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng có sự trái chiều trong tuần qua. Trong khi chỉ số Nikkei 225 quay đầu giảm 1,47%, thì chỉ số Shanghai Composite đảo chiều tăng 0,25% và chỉ số Hang Seng nhờ piheen hồi phục nhẹ cuối tuần đã tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng mức tăng rất khiêm tốn, chỉ 0,07% (tuần trước tăng 2,78%).
Những lo ngại về khủng hoảng chính trị tại Mỹ, cùng với việc đồng USD xuống mức thấp nhất 1 năm đã đẩy giá vàng tăng trở lại trong phiên cuối tuần. Trong phiên cuối tuần, chỉ số USDIndex giảm 0,8% và kết thúc tuần giảm 2,1%, tuần giảm mạnh nhất kể từ 4/2016 và xuống mức thấp nhất 1 năm.
Kết thúc phiên 19/5, giá vàng giao ngay tăng 8,8 USD (+0,71%), lên 1.255,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,2 USD (+0,1%), lên 1.253,6 USD/ounce.
Sau 4 tuần giảm liên tiếp, giá vàng đã tăng mạnh trở lại trong tuần qua nhờ các thông tin hỗ trợ như khủng hoảng chính trị tại Mỹ, đồng USD giảm mạnh. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 2,27% và giá vàng giao tháng 6 cũng tăng 2,10%.
Với những thông tin và diễn biến hiện tại, giới đầu tư tiếp tục có cái nhìn lạc quan với diễn biến của giá vàng trong tuần này, nhưng không còn quá tích cực như tuần trước.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 18 chuyên gia thị trường trả lời, có tới 11 người, chiếm 61% đánh giá tích cực về giá vàng, thấp hơn so với con số 71% của tuần trước, nhưng cao hơn nhiều 3 tuần trước đó. Trong khi đó, chỉ có 3 người, chiếm 17% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn con số 12% của tuần trước và 4 người còn lại, chiếm tỷ lệ 22% dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.
Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 944 lượt độc giả tham gia, trong đó có 588 người, chiếm 63% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn con số 52% của tuần trước, 268 lượt độc giả, chiếm 28% cho rằng giá vàng sẽ giảm, tháp hơn con số 34% của tuần trước và 88 người, chiếm 9% giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng với mức tăng mạnh trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư kỳ vọng OPEC và các nước sản xuất lớn khác sẽ đồng ý mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra tuần này. Ngoài ra, việc đồng USD xuống mức thấp nhất 1 năm cũng giúp các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh tăng, trong đó có dầu thô.
Kết thúc phiên 19/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,98 USD/thùng (+1,95%), lên 50,33 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,10 USD (+2,05%), lên 53,61 USD/thùng.
Thông tin về khả năng OPEC và các nước sản xuất lớn khác mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng, cùng đồng USD giảm mạnh xuống mức thấp nhất 1 năm đã giúp giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh hơn tuần trước đó và đóng cửa ở mức cao nhất hơn 1 tháng. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 5,20%, giá dầu thô Brent tăng 5,45%. Trong 2 tuần, giá dầu thô đã tăng gần 9%.