Kết thúc tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, thị trường có diễn biến giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen, thanh khoản được giữ ở mức trung bình.
Điểm tích cực là nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trong tuần, trong khi nhà đầu tư nội đã rục rịch “xuống tiền”, cho thấy dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại thị trường trong thời gian tới.
Tuy vậy, sau 9 phiên tăng điểm liên tục và thất bại trước ngưỡng cản mạnh 600 điểm, áp lực điều chỉnh đã xuất hiện trở lại. Điều này thể hiện khá rõ trong phiên cuối tuần trước, đi kèm với việc khối ngoại giảm mạnh mua ròng.
Hơn nữa, tuần này là tuần tái cơ cấu danh mục đầu tiên trong năm 2015 của các quỹ ETFs, nên diễn biến giao dịch của khối ngoại sẽ tiếp tục tác động tới biến động của thị trường.
Bước vào phiên giao dịch sáng 2/3, cũng giống như những phiên trước, nhà đầu tư tiếp tục giữ thế thận trọng. Thị trường khởi đầu trong sắc đỏ khi đa phần các mã lớn giao dịch ở mức tham chiếu và dưới tham chiếu, giao dịch diễn ra khá chậm chạp nên thanh khoản vẫn ở mức thấp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,82 điểm (-0,14%) xuống 591,75 điểm với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 2,3 triệu đơn vị, giá trị 28,38 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, cầu mua được thúc nhẹ giúp VN-Index tăng trở lại. Nhưng dường như đây chỉ là “đòn nhử”, bởi sau khi vượt qua mốc tham chiếu, áp lực bán đã tăng khá mạnh, kéo tuột VN-Index trở lại giao dưới mốc tham chiếu.
Áp lực bán gia tăng khiến nhiều mã bluechips nhanh chóng giảm điểm. Sắc xanh chỉ còn trụ lại ở một vài mã như VIC, MSN, BVH...
Đáng chú ý, mã OGC đã bị nện sàn ngay từ khi mở cửa. Bên bán liên tục phải hạ giá bởi bên mua đồng loạt mua vào ở mức giá sàn 5.400 đồng. OGC hiện đã khớp được 2,9 triệu đơn vị và còn dư mua sàn trên 2 triệu đơn vị.
Tương tự, các mã có tính đầu cơ cao như ITA, DXG, DLG, HAR, ... cũng giao dịch dưới tham chiếu. Các mã như FLC, KBC, HQC, VHG... đang lình xình quanh mốc tham chiếu.
Nhóm được khối ngoại gom tích cực trong thời gian qua là ngân hàng cũng đang chịu sức ép bán ra. Chỉ duy nhất STB là có sắc xanh nhạt, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ.
Ngoại trừ OGC, các mã khác trên thị trường giao dịch khá chậm.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng mở đầu trong sắc đỏ và diễn biến thị trường dao động theo nhịp trồi sụt của VN-Index.
Các mã bluechips trên sàn này cũng chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu, chỉ có 2 mã LAS và SDT là giữ được sắc xanh.
Trong 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là KLF, SHB và FIT, thì KLF và SHB đứng tại mốc tham chiếu, FIT giảm khá mạnh 400 đồng xuống 17.800 đồng/CP.
Cũng như thời gian đầu phiên sáng, sau khi VN-Index lùi sâu, cầu mua đã được tung vào, kéo chỉ số tăng trở lại. Tuy nhiên, lượng cung chốt lời luôn trực sẵn khi mặt bằng giá chung được đánh giá đã ở mức cao sau chuỗi phiên tăng liên tiếp. Vì vậy, khi VN-Index vừa về được tham chiếu, ngay lập tức chỉ số đã được kèo lùi trở lại bởi áp lực cung này.
Trong khi đó, việc giao dịch diễn ra quá èo uột trên HNX khiến sàn này tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong thời gian còn lại của phiên.
Thanh khoản chung thị trường cũng chưa có sự cải thiện nhiều khi cầu mua tỏ ra khá dè dặt.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm 1,63 điểm (-0,28%) xuống 590,94 điểm với 83 mã tăng và 99 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 0,38 điểm (+0,06%) lên 618,77 điểm với 12 mã tăng và 11 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,76 triệu đơn vị, giá trị 676 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 16,4 tỷ đồng.
Với 43 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 0,28 điểm (-0,33%) xuống 85,49 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,65 điểm (-0,39%) xuống 165,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,07 triệu đơn vị, giá trị 216,8 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 3,75 tỷ đồng.
Trên HOSE, nhóm VN30 giữ được đà tăng nhẹ cho đến cuối phiên, góp phần giúp chỉ số không giảm sâu. Trong đó, VIC và BVH cùng tăng 300 đồng, MSN tăng 500 đồng, HAG, HCM, GMD, CSM, PPC, PVT ... cùng tăng nhẹ 100 đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có sự hồi phục nhẹ. MBB tăng nhẹ trở lại và cùng STB giữ mức tăng 100 đồng, còn VCB và EIB về được mốc tham chiếu. CTG và BID giảm lần lượt 300 đồng và 100 đồng, khớp tương ứng 1,87 triệu và 1,43 triệu đơn vị.
Sau hơn nửa đầu phiên, dòng tiền cũng đã tích cực chảy hơn vào các mã vừa và nhỏ, khiến các mã này cũng từ từ hồi phục.
FLC tăng nhẹ 100 đồng lên 11.100 đồng/CP và khớp được 6,12 triệu đơn vị, mạnh nhất HOSE.
Các mã HHS, GTN, TTF, QBS, VHG.... đều đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó HHS tăng 600 đồng lên 18.700 đồng/CP, GTN tăng 400 đồng lên 15.800 đồng/CP.
Sắc tím cũng đã xuất hiện ở nhiều mã như TMT, SVC, MHC, KAC, HSI...
Riêng OGC, mã này giữ nguyên mức giá sàn và khớp được 3,95 triệu đơn vị, trong khi còn dư mua sàn 1,84 triệu đơn vị.
Một mã nhận được nhiều sự chú ý trong thời gian quan là HAI cũng bị bán mạnh và giảm xuống mức sàn 17.200 đồng/CP, tương ứng giảm 1.200 đồng, tổng khớp được 3,7 triệu đơn vị, bên mua trắng lệnh.
Trên HNX, áp lực bán được duy trì khiến sàn này chìm trong sắc đỏ. Trong nhóm VN30 chỉ còn đúng 3 mã tăng giá là KLF, KLS và LAS. Trong đó, KLF khớp được 2,1 triệu đơn vị, cao nhất HNX.
Ngoài KLF, chỉ có 3 mã đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là SHB, FIT và PVX, nhưng cả 3 mã cũng đều giảm điểm.