Thị trường phiên sáng nay tiếp tục diễn ra tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” khi các chỉ số bị “lệch lạc” bởi các mã ngân hàng có vốn hóa lớn.
Sau phiên rung lắc hôm qua, nhiều dự báo cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực chốt lời trong phiên giao dịch hôm nay và VN-Index sẽ test lại ngưỡng 570 điểm.
Dự báo khiến tâm lý nhà đầu tư dè dặt hơn nhiều khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Các lệnh mua không còn mạnh dạn ngay từ đầu giống 2 phiên trước, kể cả các mã có sóng lớn như GAS, hay BID. Thậm chí, GAS chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm, trong khi đó, áp lực bán cũng diễn ra trên diện rộng, khiến VN-Index quay đầu giảm ngay khi mở cửa với thanh khoản khá thấp.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,06 điểm (-0,18%), xuống 573,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,76 triệu đơn vị, giá trị 50,47 tỷ đồng. Tương tự, HNX-Index vẫn chìm trong sắc đỏ trong những phút đầu tiên của phiên sáng nay.
Tuy nhiên, ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, lực mua đã bắt đầu trở lại, sắc xanh cũng bắt đầu nhiều dần và vượt qua sắc đỏ, giúp VN-Index nhanh chóng đảo chiều tăng trở lại. Nhận được tín hiệu tích cực trên HOSE, HNX-Index cũng bắt đầu đảo chiều tăng điểm và lực đỡ chính cho chỉ số này, cũng giống như VN-Index là các mã ngân hàng, đặc biệt là ACB. Dù vậy, với sắc đỏ đang nhiều gấp rưỡi sắc xanh, HNX-Index bị rung lắc khá mạnh.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3,17 điểm (+0,55%), lên 577,49 điểm với 103 mã tăng và 83 mã giảm. VN30-Index cũng tăng 1,74 điểm (+0,28%), lên 617,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,78 triệu đơn vị, giá trị 1.057,4 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,72 triệu đơn vị, giá trị 76,83 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,33%), lên 84,99 điểm dù số mã giảm giá nhiều hơn số mã tăng giá (88 mã và 71 mã tăng). HNX30-Index tăng 0,6 điểm (+0,36%), lên 165,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32 triệu đơn vị, giá trị 528 tỷ đồng. Tuy nhiên, thỏa thuận phiên sáng nay trên HNX đóng góp tới 7,35 triệu đơn vị, giá trị 220,57 tỷ đồng và chủ yếu là từ giao dịch của DBC.
GAS sau khi chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm 1 bước giá lúc đầu phiên, đã nhanh chóng trở lại sắc xanh với sự hỗ trợ từ dòng tiền ngoại, nhưng không còn có được sắc tím như 2 phiên trước đó. Kết thúc phiên, GAS tăng 1.000 đồng, lên 80.000 đồng với 0,86 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại đã mua vào gần 0,47 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sau những phút đầu ngập ngừng, BID cũng đã dần lấy lại được đà tăng mạnh quen thuộc của mình. Tuy nhiên, áp lực chốt lời gia tăng khiến BID cũng không giữ được sắc tím khi kết thúc phiên ở mức 16.100 đồng, tăng 600 đồng (+3,87%) với 3,24 triệu đơn vị được khớp. Ngoài BID, thêm một đại gia ngân hàng nữa cũng góp mặt vào đội quân áo tím trong phiên sáng nay là CTG, dù Vietinbank chưa có thông tin gì về kết quả kinh doanh như BIDV. Tuy nhiên, cũng giống BID, ngay khi CTG lên mức giá trần, áp lực bán đã gia tăng, khiến mã này bị thoái lui trở lại và đóng cửa tăng 600 đồng (+4,08%), lên 15.300 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài 2 mã này, chỉ thêm MBB có mức tăng nhẹ 1 bước giá với 3,18 triệu đơn vị được khớp, SBT và EIB đứng ở tham chiếu, trong khi VCB đang giảm 400 đồng (-1,08%), xuống 36.800 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.
Cùng góp sức giúp VN-Index duy trì đà tăng phải kể đến các bluechip khác như HAG tăng 900 đồng (+4,04%), lên 23.200 đồng với 4,46 triệu đơn vị được khớp; DPM tăng 600 đồng (+1,87%), lên 32.700 đồng; VNM cũng đảo chiều thành công khi tăng 1 bước giá…, trong khi ngoài VCB, VIC, PVD, KDC và BVH lại hãm đà tăng của chỉ số.
VHG sau phiên giảm mạnh hôm qua, cũng đã đảo chiều tăng trở lại trong phiên sáng nay. Hiện mã này đang tăng 100 đồng, lên 12.100 đồng với 2,34 triệu đơn vị được khớp, trong khi đó, FLC chỉ lình xình quanh tham chiếu với hơn 3,7 triệu đơn vị được khớp.
Tuy nhiên, “diễn viên” chính trong “vở kịch chứng khoán” hôm nay vẫn là OGC. Trong phiên hôm qua, OGC bị đẩy xuống mức giá 5.9 - 6 và tại mức giá này, lực mua lớn đã được tung vào, giúp OGC có phiên khớp lệnh kỷ lục kể từ ngày chào sàn với hơn 32 triệu đơn vị. Dù lực mua lớn, nhưng OGC không khi nào nhích lên, mà chỉ xoay quanh mức giá trên trước khi đóng cửa ở mức 6.000 đồng, mức giá đóng cửa thấp nhất của mã này kể từ ngày chào sàn HOSE.
Những người theo thuyết âm mưu cho rằng, các “tay to” đè giá OGC xuống mức 5.9-6 để gom hàng, sau đó sẽ đẩy lên, thậm chí là qua mệnh giá và chốt lời. Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là dự đoán thiếu cơ sở và việc OGC bị giảm mạnh là do thông tin về việc bị phong tỏa tài khoản được đưa ra tuần trước. Tuy nhiên, dường như những người theo thuyết âm mưu đã đúng.
Trong phiên hôm nay, OGC đã được kéo lên mức giá trần 6.400 đồng và hiện còn dư mua hơn 370.160 đơn vị, trong khi tổng khớp là hơn 7,5 triệu đơn vị. Những nhà đầu tư non gan sau những màn “rung cây” của tay to trong phiên hôm qua đang cảm thấy tiếc nuối, trong khi những nhà đầu tư gom vào đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch bội thu của mình.
Trong khi đó, trên HNX, dù các mã dầu khí lớn vẫn đang giảm khá mạnh khi giá dầu thô thế giới phiên tối qua mất hơn 5% sau báo cáo của Goldman Sachs, thậm chí PVS có lúc còn giảm về giá sàn. Tuy nhiên, chỉ số trên sàn này lại được hỗ trợ bởi các mã lớn khác như ACB, SHB, KLF. Trong đó, hiện ACB đang tăng 300 đồng, SHB tăng 100 đồng, KLF tăng 200 đồng. Trong đó, KLF vượt qua SHB trở thành mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX với 5,6 triệu đơn vị được khớp.