Chứng khoán rung lắc, dầu thô và giá vàng duy trì đà tăng

Chứng khoán rung lắc, dầu thô và giá vàng duy trì đà tăng

(ĐTCK) Nhận thông tin tích cực, giá dầu thô tiếp tục tăng tốt trong phiên thứ Ba, trong khi chứng khoán gặp rung lắc trước thông tin không mấy tích cực.

Chứng khoán Mỹ đã có những phút chao đảo sau thông tin về việc email tiết lộ của con trai cả của Tổng thống Trump đã đề cập đến sự hỗ trợ của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016.

Tuy nhiên, sau đó thị trường đã hồi phục trở lại sau khi lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnel tuyên bố trì hoãn 2 tuần trong kỳ nghỉ cuối tháng 8 của Thượng viện để dành nhiều thời gian hơn cho việc soạn thảo luật, cho thấy triển vọng tiến bộ trong chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có chuỗi tăng tốt kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016 khi giới đầu tư kỳ vọng vào các chính sách miễn giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng… của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, những lùm xùm về chính trị khiến các kế hoạch này đang bị trì hoãn, thậm chí chương trình chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng hòa đưa ra nhằm thay thế chương trình Obamacare cũng chưa được thông qua.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones tăng 0,55 điểm (+0,00%), lên 21.409,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,90 điểm (-0,08%), xuống 2.425,53 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,91 điểm (+0,27%), lên 6.193,31 điểm.

Trong khi đó, không nhận được sự hỗ trợ đủ mạnh, trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản, tiêu dùng, thực phẩm giảm, khiến chứng khoán châu Âu đã đồng loạt đảo chiều giảm điểm trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,27 điểm (-0,55%), xuống 7.329,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 8,90 điểm (-0,07%), xuống 12.437,02 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 25,04 điểm (-0,48%), xuống 5.140,60 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, lên mức cao nhất 2 tuần nhờ đồng yên yếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng vọt với phiên tăng tốt nhất 4 tháng trong ngày thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu tài chính.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại tiếp tục có phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp do sự sụt giảm mạnh của nhóm cổ phiếu nhỏ sau khi cơ quan chứng khoán Trung Quốc chấp thuận thêm nhiều đợt IPO, khiến giới đầu tư lo ngại về nguồn cung lớn.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 114,50 điểm (+0,57%), lên 20.195,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 377,58 điểm (+1,48%), lên 25.877,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,59 điểm (-0,30%), xuống 3.203,04 điểm.

Giá vàng cũng lình xình trong phiên thứ Ba khi không có yếu tố nào tác động. Dù vậy, giá kim loại quý vẫn đóng cửa tăng nhẹ khi đồng USD giảm trở lại.

Kết thúc phiên 11/7, giá vàng giao ngay tăng 3,1 USD (+0,26%), lên 1.217,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,5 USD/ounce (+0,12%), lên 1.214,7 USD/ounce.

Sau phiên hồi nhẹ hôm đầu tuần, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tích cực để tăng mạnh trong phiên thứ Ba sau dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm gấp 3 lần dự báo. Cụ thể, theo Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 8,1 triệu thùng, xuống 495,6 triệu thùng, trong khi giới phân tích dự báo chỉ giảm 2,9 triệu thùng.

Kho dự trữ tại trung tâm trung chuyển Cushing, Oklahoma cũng giảm 2 triệu thùng.

Kết thúc phiên 11/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,64 USD/thùng (+1,44%), lên 45,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,64 USD (+1,37%), lên 47,52 USD/thùng. 

Tin bài liên quan