Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, dữ liệu nhà ở bắt đầu tăng trong tháng 4 và giấy phép xây dựng nhà ở đạt mức cao nhất gần 6 năm, giúp nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường nhà ở.
Thông tin tích cực giúp các cổ phiếu nhỏ tăng trở lại sau chuỗi phiên bị bán tháo trước đó và phần nào hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ.
Dù tăng điểm phiên cuối tuần, nhưng Dow Jones và S&P 500 vẫn có tuần giảm điểm sau khi liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử đầu tuần. Trong khi đó, Nasdaq lại có được tuần tăng điểm khá tốt.
Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Dow Jones tăng 44,50 điểm (+0,27%), lên 16.491,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,01 điểm (+0,37%), lên 1.877,86 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 21,30 điểm (+0,52%), lên 4.090,59 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,56%, chỉ số S&P 500 giảm 0,03% và chỉ số Nasdaq tăng 0,46%.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên đầy biến động trong phiên giao dịch cuối tuần. Phiên bán tháo ngày thứ Năm vẫn còn ảnh hưởng tới chứng khoán châu Âu khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần. Cùng với đó, dữ liệu kinh tế yếu kém trong quý I của Italia và Bồ Đào Nha càng tăng thêm nỗi lo của nhà đầu tư về nền kinh tế khu vực đồng tiền chung, nên hoạt động bán vẫn diễn ra mạnh trong phiên cuối tuần, khiến các chỉ số phần lớn dao động dưới tham chiếu. Tuy nhiên, thông tin tích cực từ Mỹ ở cuối phiên, cùng hoạt động M&A trong ngành viễn thông đã giúp chứng khoán châu Âu hồi phục và có được mức tăng nhẹ khi đóng cửa phiên.
Kết thúc phiên 16/5, chỉ số FTSE tại Anh tăng 14,92 điểm (+0,22%), lên 6.855,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 26,95 điểm (-0,28%), xuống 9.629,10 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 11,35 điểm (+0,26%), lên 4.456,28 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đa số giảm điểm trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng từ dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố trước đó. Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trong phiên cuối tuần khi đồng yên tăng mạnh so với đồng USD. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm nhẹ sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp.
Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 201,62 điểm (-1,41%), xuống 14.095,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 17,95 điểm (-0,08%), xuống 22.712,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 1,53 điểm (+0,08%), lên 2.026,50 điểm.
Vàng có phiên giao dịch ít biến động cuối tuần khi chịu tác động trái ngược. Dữ liệu về thị trường lao động tích cực được công bố trước đó, cùng dữ liệu nhà ở vừa được công bố khiến vàng chịu áp lực giảm, trong khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine hỗ trợ cho giá vàng.
Kết thúc phiên 16/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 4,1 USD (-0,32%), xuống 1.292,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,2 USD (-0,02%), xuống 1.293,4 USD/ounce.
Theo khảo sát của Kitco News về xu hướng giá vàng tuần tới, trong số 25 người trả lời trong trong số 33 người được hỏi, có 11 người giữ quan điểm trung lập hoặc cho rằng giá vàng sẽ đi ngang, trong khi 8 người dự báo giá sẽ giảm và 6 người cho rằng giá vàng sẽ tăng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Mỹ tăng trở lại sau 1 phiên tạm nghỉ, trong khi đà tăng của giá dầu thô Brent đã chấm dứt sau thông tin nguồn cung từ Lybia sẽ được nối trở lại.
Kết thúc phiên 16/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,52 USD (+0,51%), lên 102,02 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,02%), xuống 110,42 USD/thùng.