Khan hiếm sản phẩm phái sinh
Khi giao dịch điện tử được nối lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài vì dịch bệnh, nhà đầu tư vội vã tiến hành mua vào các hợp đồng của Huatai-Pinebrigde CSI 300 ETF, một trong những chỉ số phái sinh chính tại thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Nhu cầu cao tới mức số lượng hợp đồng giao dịch tăng 2.849% trong một ngày. Ðà leo dốc nối dài sang các phiên tiếp theo, với một số hợp đồng tăng thêm 200%. Trong khi đó, chỉ số SCI 300 duy trì đà xuống dốc.
Diễn biến trên một mặt thể hiện sự lo lắng của nhà đầu tư ngày càng gia tăng khi dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát, tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đe dọa làm trì trệ tăng trưởng kinh tế, mặt khác phản ánh sự khan hiếm của các công cụ đầu tư mang tính tự vệ khi thị trường biến động bất thường tại thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới.
Hiện tại, chứng khoán Trung Quốc đang trải qua giai đoạn mà tính bất ổn cao nhất kể từ năm 2015 - thời điểm bong bóng chứng khoán Ðại lục bung vỡ.
Do đó, giới đầu tư đang kêu gọi nhà quản lý nên mở rộng hơn nữa danh mục các loại hợp đồng quyền chọn, phát triển thị trường chứng khoán phái sinh nơi đây.
“Thị trường chứng khoán đang nhào lộn không ngừng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến nhu cầu tìm công cụ tự vệ của nhà đầu tư gia tăng nhanh chóng. Tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm để lựa chọn liên quan tới quỹ ETF, hoặc chỉ số chứng khoán được ra mắt trong năm nay, nhất là khi Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mở cửa thị trường tài chính với nhà đầu tư nước ngoài”, Lai Zhicun, chiến lược gia tại Goudu Futures Co cho biết.
Sản phẩm hợp đồng quyền chọn đầu tiên được giới chức Trung Quốc chấp thuận có liên quan tới China 50 ETF từ năm 2015. Mặc dù cũng chứng kiến đà tăng mạnh kể từ đầu tháng 2 cho tới nay, nhưng sản phẩm này ít hấp dẫn với nhà đầu tư bởi nó theo dõi cổ phiếu của các doanh nghiệp vốn hóa lớn với tính biến động không cao.
Trong khi đó, quyền chọn tại Huatai-Pinebridge CSI 300 ETF là sản phẩm có nhu cầu cao nhất do giá cả thường biến động mạnh và bao gồm nhiều loại cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày đối với Huatai-Pinebridge CSI 300 ETF vào khoảng 2,2 triệu hợp đồng trong giai đoạn từ 3/2 - 27/2, cao gấp đôi mức trước Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, khối lượng giao dịch trung bình với China 50 ETF duy trì ở mức 2,5 triệu hợp đồng, cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư không có biến động lớn.
Nhà quản lý dè dặt
Ngay cả khi nhu cầu gia tăng và nhận được nhiều đề xuất từ phía các thành viên thị trường, giới chức quản lý Ðại lục vẫn tỏ ra dè dặt với các sản phẩm phái sinh.
Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc đây là sản phẩm có tính đòn bảy cao, có thể gia tăng các mối lo ngại trên thị trường tài chính, theo Cao Yanghui, giám đốc nghiên cứu tại Nanhua Futures Co.
Việc giới thiệu các sản phẩm một cách thận trọng và chậm rãi giúp nhà quản lý có thêm thời gian để thích ứng và điều chỉnh.
Bên cạnh đó, thị trường tương lai và quyền chọn được xem là nguyên nhân chính dẫn tới cú đổ vỡ năm 2015 của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ðiều này giải thích vì sao không có thêm sản phẩm phái sinh nào được chấp thuận từ đó cho tới tháng 12/2019.
Nếu có nhu cầu, nhà đầu tư phải tìm tới các sản phẩm thay thế khác như cổ phiếu niêm yết tại sàn Hồng Kông, quỹ ETF…, vốn là những loại hàng hóa đắt đỏ và khó giao dịch hơn so với sản phẩm phái sinh thông thường.
Trước đó, trong tháng 11/2019, MSCI Inc đã nhấn mạnh, việc thiếu các công cụ tự vệ và sản phẩm phái sinh là một trong những trở ngại để MSCI tăng thêm cổ phiếu Trung Quốc vào các rổ chỉ số của mình.
Trong khi đó, cả sàn Thượng Hải, Thẩm Quyến, lẫn Cơ quan Quản lý chứng khoán Trung Quốc không phản hồi lại nhận định này, cũng như trước các đề xuất mở rộng hơn nữa thị trường phái sinh.
Chưa kể, sản phẩm phái sinh cho các loại tài sản khác vẫn chưa được cân nhắc tới. Ðầu tháng 2/2020, Trung Quốc cho biết sẽ bắt đầu cho phép một số ngân hàng lớn nhất quốc gia giao dịch sản phẩm trái phiếu tương lai lần đầu tiên kể từ khi công cụ này ra mắt năm 2013, trong khi việc thử nghiệm các hợp đồng lãi suất khác đang bị trì hoãn “vô thời hạn” do dịch bệnh bùng phát.
Wang Chen, đối tác tại XuFunds Investment Management Co cho rằng, điều nhà đầu tư kỳ vọng nhất hiện tại là công cụ tự vệ với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, cũng như một số nhóm cổ phiếu nhất định.
Ðây là lý do càng có nhiều sản phẩm phái sinh hơn thì càng tốt hơn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Ðại lục trong thời gian tới.
Bài học quá khứ
Việc thị trường tài chính Trung Quốc ngày càng rộng cửa với thế giới khiến nhà đầu tư toàn cầu dễ dàng hơn trong việc đầu tư vào cổ phiếu hạng A (niêm yết tại thị trường chứng khoán Ðại lục), nhưng đi kèm với đó là nhu cầu kiểm soát và hạn chế rủi ro, nhất là với các quỹ đầu cơ.
Trong bối cảnh này, giới chức Trung Quốc tỏ ra e dè bởi vẫn ám ảnh với bài học trong quá khứ, đó là khi thị trường chứng khoán Ðại lục bốc hơi 1/3 giá trị thị trường chỉ trong 1 tháng vào năm 2015.
Theo đó, nhà quản lý cho rằng, chính việc nhà đầu tư nước ngoài bán ra cổ phiếu hạng A thông qua các giao dịch phái sinh đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nhiều báo cáo đã chỉ ra, thị trường này sụp đổ năm 2015 là do các giao dịch tần suất cao (high-frequency trading) tăng mạnh, trong khi cảnh sát Trung Quốc tiến hành điều tra việc lũng đoạn thị trường tương lai.
Sau đó, các sở giao dịch chứng khoán Trung Quốc quyết định tạm ngừng giao dịch trong 3 tháng với nhiều tài khoản chứng khoán có liên quan tới giao dịch tần suất cao.
Tuy nhiên, từ góc nhìn chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng, sau sự cố đổ vỡ năm 2015, nhận thức của giới đầu tư đối với sản phẩm phái sinh đã được cải thiện.
Yu Li, người đứng đầu bộ phận đầu tư phái sinh tại Chaos Ternary Asset Management Co Ltd cho rằng, việc ra mắt thêm các sản phẩm phái sinh sẽ cung cấp công cụ tự vệ mới, đồng thời đa dạng hóa chiến lược đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đã sẵn sàng để “luyện tập” thêm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.