Chứng khoán phái sinh: Trả “phí” cao để được bán

Chứng khoán phái sinh: Trả “phí” cao để được bán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên sàn phái sinh, mức chênh lệch giá âm gần 16 điểm cuối tuần qua cho thấy chi phí để sở hữu vị thế bán khá đắt, trong khi bên mua chưa thực sự sẵn sàng bắt đáy.

Lạm phát tại Mỹ dẫn dắt tâm lý đầu tư toàn cầu

Năm 2022, thị trường chứng khoán toàn cầu “chấp nhận” chịu áp lực điều chỉnh khi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thay đổi từ nới lỏng sang thắt chặt. Đổi lại, nhà đầu tư kỳ vọng, với hàng loạt động thái mạnh tay tăng lãi suất, nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng sẽ tránh được “bóng ma” lạm phát và suy thoái.

Thực tế, trong tháng 5, kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được kiềm chế, dòng tiền háo hức quay trở lại thị trường và mang đến pha tạo đáy hồi phục kéo dài đến hết tháng 8.

Tuy nhiên, chính CPI tháng 8 trở thành nguyên nhân kích hoạt cho một nhịp điều chỉnh mới. Cụ thể, mặc cho các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tuyên chiến với lạm phát qua việc tăng lãi suất, nhưng CPI vẫn tăng, đặc biệt là CPI lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng). Theo đó, sự thật là rủi ro lạm phát vẫn tiềm ẩn và dòng tiền đang chuẩn bị tinh thần cho những biện pháp điều tiết thị trường mạnh tay hơn.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Điểm nhấn với vận động của trạng thái tài sản toàn cầu thời điểm này khá rõ nét. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm “chạy” thẳng một đường từ vùng hồi phục lên trạng thái tăng mạnh và hướng về điểm mút cao nhất trong đồ thị.

Điều này thể hiện rõ nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản mang tính an toàn và kỳ vọng vào trạng thái tăng cao từ lãi suất. Bên cạnh đó, nhiều tài sản khác nằm trong khu vực giảm mạnh.

Đây cũng là một trong những điều kiện thị trường tiêu cực, tín hiệu của tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro ở mức thấp, khi ít có tài sản được kỳ vọng tăng giá tích cực. Nhưng nhìn vào vận động của chỉ số VN-Index có thể thấy, kỳ vọng vẫn còn đó, với niềm tin rằng, chỉ số chỉ đơn thuần là bị mất đà trong chu kỳ tăng trưởng.

VN30 chưa tìm được điểm cân bằng

Tuần qua, dòng tiền đầu tư trở nên thận trọng hơn, ưu tiên những tài sản mang tính phòng thủ. Đây cũng là lý do giải thích tình trạng giao dịch kém sôi động trên thị trường cổ phiếu. Lực cầu không tăng, trong khi nguồn cung luôn chực chờ, tạo áp lực điều chỉnh cho chỉ số VN30.

Thêm vào đó, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 9 kết thúc với quãng thời gian giao dịch khá ngắn cũng gây bất lợi cho dòng tiền chọn vị thế mua. Thời điểm VN30 nằm trong xu hướng giảm dài hạn, thì chọn vị thế kỳ vọng giá tăng sẽ cần phải có quỹ thời gian dài nếu muốn cân bằng lại mức độ rủi ro phải chịu đựng. Tuần đáo hạn phái sinh với nhịp điều chỉnh ngày cuối tuần là hệ quả của việc mất cân bằng giữa tỷ lệ mua (Long) và bán (Short).

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Với đà giảm được tăng cường thì nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục điều chỉnh cho đến khi tìm được điểm cân bằng mới. Xét về mẫu hình kỹ thuật, VN30 đã thủng cản hỗ trợ mạnh được xác nhận từ Fibonacci 1.260 điểm. Đồng thời, giá tạo kênh giảm tiếp diễn kết hợp với thanh khoản mua bắt đáy không đáng kể định hướng cho VN30 tìm về nền hỗ trợ mới tại 1.200 điểm.

Kịch bản trên được củng cố với vận động giá từ chỉ báo sức mạnh tương đối RSI khi chính thức phá vỡ hỗ trợ xu hướng quan trọng được xác lập từ tháng 4/2022. Theo đó, định hướng về lại vùng quá bán mức 30% là mục tiêu của RSI. Điều này tương ứng với việc kỳ vọng giá sẽ có diễn biến giảm trong giao dịch mới.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Canh bán khi giá hồi

Sau những kỳ vọng về mẫu hình cái nêm với việc giá cổ phiếu không giảm quá thềm 1.265 điểm là áp lực bán liên tiếp liên quan đến thông tin vĩ mô cả trong và ngoài nước. Đồng thời, hợp đồng tháng 10 có mức xuất phát điểm thấp khiến cho đồ thị kỹ thuật ngắn hạn mang sắc thái khá tiêu cực.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Nhìn chung, thời điểm này khó có thể kỳ vọng lực mua tăng cao, mặc cho chỉ báo RSI liên tiếp đưa ra tín hiệu phân kỳ dương. Nguyên nhân trực tiếp đến từ trạng thái của VN30 không tích cực. Nhưng nếu quan sát với chỉ báo tâm lý về mức chênh lệch giá, mức vênh âm gần 16 điểm thể hiện rõ nhà đầu tư chấp nhận trả “phí” khá đắt để sở hữu được vị thế bán. Ngược lại, bên mua chưa thể hiện động thái sẵn sàng mở vị thế bắt đáy sau những pha điều chỉnh sâu gần nhất.

Do vậy, trạng thái thị trường nhìn chung đang ủng hộ bên bán. Kịch bản giao dịch phù hợp lúc này là cân nhắc mở vị thế bán khi giá kết thúc nhịp hồi kỹ thuật trong các phiên đầu tuần. Mục tiêu là giá lùi về nền hỗ trợ 1.210 điểm, hoặc 1.200 điểm. Ngược lại, bên mua chỉ nên hành động khi trạng thái tâm lý ngắn hạn “bình tĩnh” trở lại tại ngưỡng hỗ trợ 1.210 điểm.

Tin bài liên quan