Chứng khoán phái sinh: Thận trọng trước kỳ nghỉ lễ

Chứng khoán phái sinh: Thận trọng trước kỳ nghỉ lễ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 3 phiên tăng liên tiếp, diễn biến giảm điểm trong phiên cuối tuần qua và mức chênh âm gần 14 điểm giữa giá phái sinh và chỉ số cơ sở cho thấy vị thế phòng vệ khá “cô đặc”, nhất là khi kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đang tới gần.

Thị trường hạ nhiệt dù dòng tiền tích cực

Hiện tượng các chỉ số chứng khoán hạ nhiệt khi giá cổ phiếu tăng mạnh từ đáy trong gần 3 tuần trước đó đã xuất hiện. Với trạng thái thông tin vĩ mô không có nhiều, cũng như thông tin doanh nghiệp “lặng sóng”, thì việc nhà đầu tư thực hiện chốt lời khá hợp lý.

Điểm nhấn trong tuần qua đến từ vận động của chỉ số VN-Index và VN30 khi có mức giảm ít nhất so với nhiều chỉ số dẫn dắt trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Thậm chí, chỉ số còn ghi nhận tăng trưởng nếu so với nội tại kể từ phiên đầu tuần. Diễn biến này khiến cho bên bán khá bất ngờ và có phần bị động trước sự vận động của hợp đồng phái sinh tháng 9/2022 (VN30F1M), khi để lộ quá nhiều kỳ vọng “giá điều chỉnh sâu” dựa trên mức chênh lệch (Basis) âm tương đối lớn so với chỉ số cơ sở.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Xét về yếu tố chu kỳ tài sản, giá dầu duy trì trạng thái giảm mạnh. Đây là vùng thấp nhất trong chu kỳ vận động của nhóm tài sản đại diện hàng hóa. Mặc dù sản lượng dầu đang được tiết chế để giữ nền giá, nhưng giá vẫn chưa thể gia tăng.

Trong ngắn hạn, điều này có lợi cho chi phí và giảm áp lực lạm phát, nhưng nếu nguyên nhân giảm đến từ nhu cầu tiêu thụ thấp sẽ dẫn đến lo ngại về suy thoái kinh tế trung hạn. Thực tế, hàng hóa quan trọng như quặng sắt cũng đang có diễn biến tiêu cực.

Ở góc độ tài sản chứng khoán, VN-Index “tăng khỏe” một phần dựa trên quá trình “đuổi theo” chỉ số dẫn dắt S&P 500. Nói cách khác, trong khi S&P 500 dần tiến đến ngưỡng đỉnh của chu kỳ “tăng mạnh”, thì VN-Index mới chuẩn bị lên vùng “hồi phục”. Đây sẽ là điểm mấu chốt cho các chiến lược của tuần giao dịch mới.

VN30 có thể lùi về vùng hỗ trợ 1.260 - 1.270 điểm

Nhóm ngân hàng trong 2 tuần qua trở thành trụ tâm lý quan trọng cho dòng tiền trong nước mua lên “ngược sóng” so với vận động chung từ chỉ số toàn cầu. Một lần nữa, dòng tiền giao dịch sôi động với thanh khoản tốt là điểm mấu chốt để chỉ số VN30 vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật và áp lực chốt lời thường trực. Bên cạnh đó, sự hồi phục từ nhóm năng lượng, đặc biệt là nhóm bán lẻ ngay trong pha điều chỉnh cuối tuần qua giúp bảo vệ được các nền hỗ trợ quan trọng cho chỉ số.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Kênh giá tăng được hình thành kể từ đầu tháng 8/2022. Đồ thị kỹ thuật thể hiện, sức ép gia tăng từ thanh khoản là động lực chính để hình thành kênh giá này. Cụ thể, nền giá 1.212 điểm từ VN30 là điểm đầu của kênh tăng giá và tại đây ghi nhận quá trình thanh khoản tăng trưởng áp đảo. Sức ép mua lên cũng được giải thích thêm từ chỉ báo động lượng RSI với dư địa giá từ vùng 42 và kéo sát lên mức gần 70 hiện tại.

Do vậy, khi RSI chạm vào biên giá trên, cũng như VN30 tiến đến vùng Gap (khoảng trống giá) 1.323 điểm được tạo ra từ pha giảm đột ngột ngày 13/6/2022, thì kỳ vọng lúc này là áp lực điều chỉnh xuất hiện. Đây cũng trùng hợp là vùng biên trên của kênh tăng được tạo ra, nên căn cứ vào mẫu hình này, áp lực bán đến VN30 sẽ không quá mạnh, điểm tích lũy dự kiến là khu vực giá 1.260 - 1.270 điểm.

Ưu tiên quan sát cũng là một chiến lược cho tuần giao dịch mới

Trên sàn phái sinh, mẫu hình kỹ thuật từ hợp đồng phái sinh VN30F1M cho thấy, về cơ bản, yếu tố tăng/giảm mang tính bất ngờ đan xen nhau. Đồng thời, vùng hở Gap khá lớn khi ráp hợp đồng mới vào đồ thị kỹ thuật phần nào gây nhiễu cho các chỉ báo kỹ thuật nói chung.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Thời điểm khi phản ứng giá không đủ khẳng định vận động thị trường thì chỉ báo Fibonacci xuất hiện như một căn cứ quan trọng. Cụ thể, VN30F1M phản ứng tốt tại nền mở rộng 38,2% tại vùng giá 1.267 điểm.

Đồng thời, nhịp bán được bên mua (Long) kỳ vọng vùng 1.283 điểm đã không diễn ra, mà giá tăng mạnh lên sát đỉnh gần nhất trên 1.300 điểm. Yếu tố bất ngờ này đặt cả 2 bên mua và bán (Short) vào tình huống phòng thủ, dẫn đến mất dấu xu hướng giá trong ngắn hạn.

Nhưng căn cứ vào hoạt động từ dòng tiền trong VN30, có thể ghi nhận hướng điều chỉnh đang được ưu tiên hơn trong trạng thái hiện tại.

Thực tế, các chỉ báo quan trọng từ hợp đồng VN30F1M cũng khẳng định tư duy ưu tiên trạng thái điều chỉnh ngắn hạn. Cụ thể, mức Basis đang âm gần 14 điểm, cho thấy vị thế phòng vệ (Hedging) khá “cô đặc”.

Đồng thời, RSI hướng xuống từ vùng quá mua kết hợp với mẫu hình 2 đỉnh đảo chiều được thiết lập là chỉ báo bên mua cần cẩn trọng hơn.

Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở lệnh bán nếu giá thủng nền hỗ trợ 1.284 điểm với định hướng về vùng mục tiêu 1.260 điểm. Trường hợp giá vận động theo hướng tích lũy, nhà đầu tư nên quan sát cho đến khi xu hướng vận động từ giá trở nên rõ ràng hơn.

Tin bài liên quan