Nhu cầu đội, nhóm
Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn mạng về chứng khoán cũng như trong các trao đổi giữa nhà đầu tư và môi giới chứng khoán, chứng khoán phái sinh trở lại là đề tài nóng. Các buổi hội thảo về chứng khoán phái sinh do công ty chứng khoán tổ chức không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường cơ sở, mà cả những người đã đầu tư trên thị trường phái sinh.
Sàn phái sinh đang thu hút nhà đầu tư với cơ hội tìm kiếm lợi nhuận lớn và nhanh, trong bối cảnh thị trường cơ sở diễn biến khó lường. Tuy rủi ro khi giao dịch chứng khoán phái sinh rất lớn, nhưng điểm hấp dẫn là nhà đầu tư có thể kiếm lời cả khi thị trường giảm điểm.
Theo thống kê, kể từ ngày 11/10 - thời điểm VN-Index lao dốc gần 50 điểm và biến động mạnh trong xu hướng giảm đến nay (2/11), giao dịch trên sàn phái sinh diễn ra sôi động. Trong khoảng thời gian này, trung bình có gần 145.000 hợp đồng trị giá 13.100 tỷ đồng được giao dịch mỗi phiên, lần lượt gấp 2,6 lần và 2,4 lần so với giai đoạn đầu tháng 10.
Tại một hội thảo về chứng khoán phái sinh cuối tuần qua, nhà đầu tư N. cho biết, anh tham gia sàn phái sinh đã được vài tháng, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm nên lỗ nhiều hơn lãi. Do đó, anh thường xuyên tham dự các buổi hội thảo để hiểu hơn về thị trường này, học hỏi kinh nghiệm giao dịch, chiến lược đầu tư, đồng thời tiếp nhận thông tin thị trường, dự báo xu hướng…
Còn chị H. chia sẻ, thời gian qua, chị nhận được nhiều lời mời mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh, cũng như khuyến nghị từ các môi giới về cơ hội trên thị trường phái sinh. Ban đầu, chị không thấy hứng thú với chứng khoán phái sinh, vì mức độ rủi ro quá lớn, nhưng hiện đang cân nhắc sẽ phân bổ một phần nguồn vốn vào thị trường này.
Có 2 yếu tố khiến chị cân nhắc sẽ tham gia thị trường chứng khoán phái sinh đó là sự tìm hiểu, quan sát thị trường sau một khoảng thời gian và một số tìm kiếm cho mình được đội nhóm phù hợp để cùng đầu tư, trong đó có một số người chị quen biết. Thực tế, không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cơ sở cũng có tâm thế sẽ tham gia sàn phái sinh.
Theo tìm hiểu của người viết, bên cạnh sự chuẩn bị về tâm lý, kiến thức, kỹ thuật đầu tư phái sinh thì việc tìm được nhân viên môi giới và nhóm đầu tư phù hợp là yếu tố quan trọng. Bởi lẽ, đầu tư trên thị trường này khó có thể thiếu công cụ phân tích kỹ thuật, nhưng ít người sử dụng thành thạo.
Trong đa số trường hợp, việc dự đoán thị trường theo cảm tính thường nhận kết cục như nhau, đó là thua lỗ. Nhưng khi nắm được phân tích kỹ thuật rồi, nhà đầu tư phải nghiêm khắc tuân theo kỷ luật, tránh để cảm xúc chi phối. Điều này, những nhà đầu tư nghiệp dư không dễ đáp ứng được, do đó cần thiết tham gia nhóm đầu tư để nhận được khuyến nghị, phân tích từ các thành viên cũng như nhân viên môi giới.
Về vấn đề này, nhà đầu tư N. cho hay, anh khá “bảo thủ” trong đầu tư, ra quyết định mua - bán theo nhận định của bản thân, nhưng vẫn tham khảo khuyến nghị của các công ty chứng khoán nói chung, nhân viên môi giới và nhóm đầu tư nói riêng.
Có những lúc cần “lướt sóng” trong phiên, những cũng có trường hợp phải nắm giữ vị thế vài ngày. Nhìn chung, không nên quá tham lam, quá ham hố lướt sóng, vì các thương vụ lãi - lỗ bù trừ cho nhau và chi phí (thuế, phí giao dịch) chiếm một phần không nhỏ.
Có một số nhà đầu tư tham gia thị trường phái sinh bằng cách ủy thác đầu tư, nhưng không nhiều. Phần lớn nhà đầu tư tự giao dịch, trong đó không ít người lựa chọn khuyến nghị phù hợp để ra quyết định mua - bán. Đa số những khuyến nghị chất lượng đều có thu phí, hoặc không thu phí trong thời gian đầu.
“Tay to” ra trận?
Dù là nhà đầu tư mới hay bám sàn cơ sở lâu năm, thị trường phái sinh đang ngày càng thu hút họ tham gia. Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh thời điểm cuối tháng 10/2018 là 50.956 tài khoản, tăng 9,5% so với cuối tháng 9 và gấp 3 lần so với cuối năm 2017.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư phái sinh thua lỗ, không ít người nộp thêm tiền vào tài khoản để tiếp tục giao dịch, nhưng một số người đã phải rời bỏ thị trường, tập trung đầu tư trên thị trường cơ sở.
Trong giai đoạn thị trường phái sinh có thanh khoản và giá trị giao dịch tăng mạnh gần đây, có ý kiến cho rằng, đó chủ yếu là nhờ các “tay to” (nhà đầu tư lớn) thực hiện lướt sóng. Trong phiên, các nhà đầu tư này có thể “đánh lên, đánh xuống”, khiến thị trường biến động nhanh và mạnh.
Nếu nhà đầu tư nhỏ không tuân thủ kỷ luật đầu tư sẽ dễ đầu tư theo cảm tính, tức bị cảm xúc chi phối, dẫn đến tình trạng mua cao - bán thấp, mua thấp - bán thấp hơn, hoặc bán cao - mua cao hơn, bán thấp - mua cao và các thương vụ thành công đa phần là nhờ “hên”.