Chứng khoán phái sinh: Rủi ro Short đuổi

Chứng khoán phái sinh: Rủi ro Short đuổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tại, đà rơi của hợp đồng tháng 10/2022 đã kéo dài và với quy mô lớn, việc Short đuổi trở nên khá rủi ro.

VN30 tiếp đà lao dốc

Căng thẳng và căng thẳng hơn nữa là điều mà nhà đầu tư chứng khoán trong nước đang phải trải qua. Trong khi áp lực đến từ yếu tố liên thị trường vẫn đang đè nén chỉ số, dòng tiền lại phải tiếp tục lo ngại về biến động từ lãi suất trong nước tuần qua. Cụ thể, với áp lực đồng USD mạnh lên và việc điều tiết tỷ giá qua thị trường mở có giới hạn, Ngân hàng Nhà nước buộc phải nâng lãi suất điều hành tăng vọt và điều này tác động mạnh hơn đến tâm lý dòng tiền đang tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chi tiết hơn, nhìn về góc độ liên thị trường, thực tế rủi ro lãi suất và mức chỉ báo căng thẳng trên toàn thị trường ở mức cao nhất tính từ giai đoạn Covid-19. Ngân hàng Credit Suisse được dự báo có khả năng phá sản và điều này khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến tình huống đổ vỡ thị trường tài chính như đã diễn ra trong năm 2008.

Bên cạnh đó, việc chỉ báo rủi ro gia tăng cũng khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chấp nhận lãi suất trái phiếu cao để có thể tìm được nguồn vốn hoạt động. Điều này vô tình khiến cho lãi suất giao dịch trên thị trường tăng mạnh.

Trong khi đó, thị trường trong nước cũng trở nên phức tạp hơn với việc lãi suất tăng mạnh trên 8%/năm, khiến các vị thế tiền mặt đứng ngoài yêu cầu thị trường chiết khấu sâu thêm mới mong muốn giải ngân.

Đồ thị vận động từ các tài sản quan trọng.

Đồ thị vận động từ các tài sản quan trọng.

Dựa vào vận động từ đồ thị tài sản, có thể thấy, ngoài việc lãi suất trái phiếu đang tăng vọt, hầu hết các tài sản còn lại đều trong trạng thái cực đoan. Điểm nhấn hơn nữa đến từ vận động của VN-Index, khi lao dốc mạnh hơn hẳn so với SP500. Tất nhiên, điều này đang phản ánh đúng câu chuyện “dòng tiền sợ hãi” với thị trường trong nước. Nhưng cũng không hẳn mọi tài sản đều tiêu cực, khi dầu thô và vàng đang phục hồi từ chu kỳ “giảm mạnh”.

Sau những gì nhà đầu tư đã trải qua, thị trường lại tiếp tục lặp lại câu chuyện của tháng 4/2022, với những diễn biến mới từ chính sách lãi suất và thông tin bất lợi cho thị trường trong nước. Nhìn chung, việc thanh khoản giao dịch “đóng băng” những thời điểm giá giảm mạnh cho thấy thị trường thật sự thiếu vắng lực đỡ, mặc cho áp lực bán không còn quá lớn trong giai đoạn hiện tại.

Cơ hội để thị trường phục hồi thật sự đã xuất hiện trong tuần, khi giá hồi ngay tại khu vực nền 1.100 điểm. Mốc này cũng là thời điểm các chỉ báo cho tín hiệu Mua lên rõ nét nhất. Nhưng điều kiện đủ của thị trường, là yếu tố thanh khoản xác nhận không xuất hiện.

Điều này làm nản lòng hầu hết các vị thế cổ phiếu chờ đợi bám theo pha hồi và dẫn đến áp lực bán tăng cường sau đó.

Xét về các mốc phản ứng tâm lý, vùng hỗ trợ Fibonacci 127,2% đã vỡ và qua đó giá tiếp tục hướng về ngưỡng hỗ trợ mở rộng 161,8%. Đây cũng là thời điểm giá điều chỉnh tạo đáy rút chân trong đầu năm 2021. Qua đó, các vị thế Mua lên kỳ vọng sẽ tham gia giải ngân bắt đáy. Thực tế, thanh khoản tăng đột biến trong phiên cuối tuần đang thể hiện tín hiệu này.

Canh Mua khi dòng tiền bắt đáy tham gia

Với trạng thái tâm lý yếu và gần như chưa thể thoát được nhịp giảm vốn có, gần như VN30F1M chưa có kỳ vọng phục hồi ngắn hạn. Nhưng nếu để tham gia giao dịch với vị thế Bán, nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận khá nhiều rủi ro khi thị trường đang giảm bởi sự “sợ hãi” đi kèm với các tin tức tiêu cực nhất, thay vì trạng thái cốt lõi trong mối quan hệ cung – cầu. Nói cách khác, thời điểm này đang được xem là cuối pha điều chỉnh của thị trường và dư địa kỳ vọng điều chỉnh không còn quá nhiều với việc giá nhiều cổ phiếu đã trở nên hấp dẫn trong nhiều năm qua.

Đồ thị VN30F1M, cung giờ 1H. 07.10.2022.

Đồ thị VN30F1M, cung giờ 1H. 07.10.2022.

Diễn biến từ đồ thị kỹ thuật VN30F1M thật sự rất tiêu cực và gần như lặp lại thời điểm điều chỉnh của chỉ số VN30 khi Covid-19 xuất hiện vào năm 2020, nhưng kéo dài hơn. Nhìn về vận động xu hướng, rõ ràng, giá chưa thể hồi phục khi phe Long gần như “biến mất” và chỉ còn phe Short ép mạnh mỗi thời điểm giá có pha hồi phục kỹ thuật.

Đồ thị kỹ thuật VN30 ngày 7/10/2022.

Đồ thị kỹ thuật VN30 ngày 7/10/2022.

Ngoài áp lực Short mang tính “đầu cơ”, thực tế rất nhiều vị thế tham gia hedging để phòng thủ cho danh mục cơ sở đang bị ảnh hưởng nặng trong giai đoạn này. Đây là lý do khiến cho lực Bán luôn dồi dào, thể hiện rõ qua trạng thái “bẫy tăng giá” liên tiếp đưa ra với chỉ báo RSI.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng chấp nhận mức vênh âm cao để có vị thế Short trong danh mục đầu tư. Nhìn vào tính thanh khoản, có thể thấy thị trường phái sinh đang trở nên rất năng động thời điểm này.

Nhưng về góc độ định giá, hiện tại đà rơi của hợp đồng tháng 10/2022 đã kéo dài và với quy mô lớn. Do vậy, việc Short đuổi trở nên khá rủi ro, đặc biệt là khi thị trường cạn cung và dòng tiền trung hạn tham gia bắt đáy cổ phiếu. Do vậy, việc ưu tiên quan sát đợi thị trường ổn định cũng là một vị thế tốt.

Với nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, có thể ưu tiên canh Mua khi giá phục hồi kỹ thuật tại vùng tròn số 1.000 điểm, đây cũng là vùng hỗ trợ mở rộng của Fibonacci 127,5%.

Tin bài liên quan