Chứng khoán phái sinh: "Phản lực"

Chứng khoán phái sinh: "Phản lực"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sàn phái sinh cuối tuần qua có cái kết bất ngờ cho bên bán khi lực ép xuống trước đó tạo ra phản lực bởi chỉ số cơ sở không ủng hộ.

Thị trường lao động trở thành điểm mấu chốt

Thị trường tài chính toàn cầu dường như đã trải qua giai đoạn lo ngại về lạm phát cao và những vấn đề liên quan đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Thực tế, thời điểm này, câu chuyện lãi suất không còn “chiếm sóng” như giai đoạn lạm phát tăng mạnh trong quý II/2022.

Với quý III/2022, một nỗi lo mới là nguy cơ suy thoái kinh tế. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng mới là yếu tố cơ bản xác nhận nguy cơ này. Đây là lý do khiến nhiều chỉ số chứng khoán quan trọng ngưng nhịp hồi phục khi dòng tiền trở nên cẩn trọng trở lại và chờ đợi tình hình rõ ràng hơn.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Vận động từ các chính sách vĩ mô phân kỳ thêm vào khó khăn mà nhà đầu tư đang phải đối mặt. Cụ thể, với câu chuyện kinh tế suy thoái, không phải thị trường nào cũng giống nhau. Tại Việt Nam, các thông số về GDP đang ổn định, chưa có bất cứ dấu hiệu nào về việc suy giảm đà tăng trưởng. Thêm vào đó, thị trường lao động tiếp tục trên đà hồi phục.

Về câu chuyện thị trường, diễn biến tích cực là dòng tiền bắt đầu sôi động trở lại. Tín hiệu đến khá rõ khi đồ thị vận động các tài sản quan trọng cho thấy, lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sau khi Fed tăng lãi suất. Trong khi đó, hai chỉ số chứng khoán quan trọng là S&P 500 và VN-Index đều có dấu hiệu quay trở lại chu kỳ tăng trưởng. Nói đơn giản hơn, lượng vốn bắt đầu có dấu hiệu chuyển dịch sang tài sản rủi ro khi nhà đầu tư dần quay trở lại thị trường.

VN30 đối diện với ngưỡng cản cũ

Tuần giao dịch vừa qua ghi nhận thanh khoản dồi dào so với nhiều tháng trở lại đây, đặc biệt là khi dòng cổ phiếu ngân hàng phục hồi và làm trụ đỡ cho tâm lý nhà đầu tư. Rõ ràng, kết quả kinh doanh tích cực là động lực để dòng tiền tham gia vào những cổ phiếu có mức chiết khấu sâu và định giá trở nên hấp dẫn. Đồng thời, khi thị trường không còn nhiều thông tin tiêu cực, thì lượng tiền mới tham gia với quan điểm đầu tư trung hạn trở thành lực nâng cho chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị hình nến cho thấy, vùng đáy 1.220 điểm đã hình thành khá rõ nét. Đặc biệt, điều thị trường ngại nhất trong thời gian qua là thanh khoản đã được cải thiện đáng kể sau 5 phiên liên tiếp. Có thể thấy, nhà đầu tư thật sự giải ngân mới và thêm vào động lượng tăng cho chỉ số.

Tuy nhiên, chỉ báo kỹ thuật báo hiệu thị trường có thể sắp điều chỉnh giảm, ít nhất cũng “hạ nhiệt”. Chỉ báo động lượng RSI thể hiện giá có dấu hiệu tăng nóng và gần chạm đến các ngưỡng cản quan trọng. Cụ thể, RSI đã tiến sát đến đỉnh cản trong tháng 4/2022, khi “cú sập” bắt đầu diễn ra. Bên cạnh đó, nhìn về các ngưỡng cản kỹ thuật mang tính tâm lý, giá cũng chạm vào vùng đỉnh cũ trong tháng 7/2022. Đây là thời điểm áp lực bán xuất hiện, đặc biệt là những vị thế từng “lỡ mua” tại khu vực này.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Hạn chế mở vị thế bán

Thị trường phái sinh đã có pha “giao chiến” giữa hai bên mua (Long) và bán (Short) trong ngày giao dịch cuối tuần qua. Chi tiết hơn, bên bán bắt đầu tích lũy vị thế và duy trì trạng thái “ép” bên mua cho đến khi mức chênh (basic) giữa giá hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M) và chỉ số cơ sở vênh đến âm 20 điểm. Nhưng khi thị trường cơ sở không ủng hộ thì trạng thái “gồng ngược” từ bên bán nhanh chóng chuyển thành động lượng tăng cho giá, bởi nhiều nhà đầu tư đóng vị thế bán.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Nhìn vào vận động giá từ hợp đồng tương lai tháng 8/2022 có thể thấy rõ lực ép từ chỉ báo basis đã chạm đến thời điểm thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây, đặc biệt là tháng 6/2022 khi giá rơi mạnh từ ngưỡng 1.285 điểm.

Giá phái sinh thấp hơn nhiều chỉ số cơ sở thể hiện sự quyết tâm của bên bán khi đặt cược vào pha chốt lời ngày cuối tuần, nhưng áp lực tăng từ VN30 khiến basis dần thu hẹp, tạo nên diễn biến ngược chiều giữa thị trường cơ sở và phái sinh trong phiên gần nhất.

Mặc dù vậy, lực tăng đã đẩy giá hợp đồng phái sinh kỳ hạn tháng 8 vào tình huống khó khăn khi chạm ngưỡng cản tâm lý quan trọng tại vùng 1.265 điểm. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI chạm phải ngưỡng đỉnh tăng trưởng, cho thấy không còn nhiều dư địa trong ngắn hạn. Đồng thời, cảnh báo phân kỳ âm nhiều lần xuất hiện trong pha tăng trưởng đang trở thành rào cản cho dòng tiền mới tham gia.

Do vậy, nhìn về mặt kỹ thuật, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán khi giá có nhịp điều chỉnh ngay vùng cản hiện tại là 1.265 điểm. Nhưng nhà đầu tư cũng không nên “quá đà”, vì dòng tiền mạnh từ VN30 có thể tạo nhịp đảo chiều tăng bất ngờ. Trường hợp thông tin vĩ mô thuận lợi hơn, vị thế mua tại ngưỡng 1.250 trở nên hợp lý hơn.

Tin bài liên quan