Kỳ I: lớn nhanh nhờ hút mạnh dòng tiền
Giá trị giao dịch vượt 10.000 tỷ đồng/ngày
Một tháng nữa, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh Việt Nam tròn một năm hoạt động. Ghi nhận từ các thành viên thị trường cho thấy, sự lớn mạnh của mảng thị trường này chỉ trong thời gian ngắn là rất bất ngờ. Trước đó, việc mở cửa TTCK phái sinh đối mặt với không ít nghi ngại về khả năng thu hút nhà đầu tư tham gia.
Một kỷ lục mới trên TTCK phái sinh vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận, đó là khối lượng và giá trị giao dịch ngày 28/6 lần lượt đạt 141.765 hợp đồng và 13.366,3 tỷ đồng.
Dữ liệu tổng hợp của HNX cho thấy, TTCK phái sinh liên tục ghi nhận các kỷ lục mới. Trong khi khối lượng giao dịch cao nhất của năm 2017 chưa đạt đến 30.000 hợp đồng/ngày, thì trong những phiên cuối tháng 6/2018, khối lượng giao dịch liên tục đạt trên 100.000 hợp đồng/phiên.
Khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch bình quân phiên tăng trưởng mạnh trong tháng 6/2018, lần lượt đạt 94.568 hợp đồng/phiên và 9.208 tỷ đồng/phiên. 6 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên TTCK phái sinh lần lượt đạt 5.537.761 hợp đồng và 563.911,4 tỷ đồng, tương ứng gấp 5,01 lần và 5,86 lần so với năm 2017.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 của HNX vừa diễn ra, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, TTCK phái sinh kể từ khi khai trương hoạt động (10/8/2017) đến nay tăng trưởng tốt và ổn định. Hoạt động giao dịch tăng trưởng mạnh ở tất cả các chỉ tiêu, khối lượng giao dịch tháng sau tăng cao hơn tháng trước.
TTCK phái sinh đã trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, nhất là khi thị trường cơ sở có nhiều biến động. Điều này thể hiện qua 6 tháng đầu năm nay, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch bình quân lần lượt đạt 45.767 hợp đồng/phiên và 4.660 tỷ đồng/phiên, tương ứng gấp 4,18 lần và 4,89 lần so với năm 2017. Tại thời điểm cuối tháng 6/2018, khối lượng hợp đồng mở (OI) đạt 11.812 hợp đồng, tăng 46,2% so với cuối năm 2017.
Các phiên từ 26 - 29/6/2018, khối lượng giao dịch bình quân đạt 124.000 hợp đồng, trị giá gần 11.820 tỷ đồng. Những phiên giao dịch đầu tháng 7, thanh khoản tiếp tục tăng, đạt trên 148.000 hợp đồng trong phiên 4/7.
Sức hút của TTCK phái sinh đối với nhà đầu tư còn thể hiện qua số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng nhanh. Tổng số tài khoản giao dịch phái sinh tại thời điểm cuối tháng 6/2018 là 35.275 tài khoản, gấp 2 lần so với cuối năm 2017.
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, khi chiếm tới 98,34% tổng khối lượng giao dịch trong 6 tháng qua. Nhà đầu tư tổ chức trong nước mới chỉ chiếm 1,54% khối lượng giao dịch, chủ yếu là hoạt động tự doanh của khối công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,12% khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Giải mã sức hút của thị trường
Khi TTCK phái sinh mới đi vào hoạt động, cũng như ở những thời điểm TTCK cơ sở ít biến động, TTCK phái sinh kém sôi động. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi thị trường cơ sở điều chỉnh giảm với biên độ lớn, thì sự sôi động trên TTCK phái sinh tăng đột biến, với khối lượng và giá trị giao dịch tăng nhanh.
Chẳng hạn, trong tháng 5/2018, theo HNX, khi chỉ số VN30 biến động mạnh, giảm hơn 100 điểm, thì khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh liên tục tăng và đạt kỷ lục mới.
Tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch lần lượt đạt gần 1.641.000 hợp đồng và 162.529,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 191,2% và 162,5% so với tháng 4/2018. Khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 74.579 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 7.387,7 tỷ đồng/phiên, lần lượt tăng 151,5% và 126,8% so với tháng trước.
Điều gì khiến TTCK phái sinh có sức hút dòng tiền như vậy? Ý kiến từ các công ty chứng khoán, chuyên gia cho rằng, đó là thị trường này mang lại cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư khi thị trường cơ sở đi xuống. Khi chưa có thị trường phái sinh, thị trường cơ sở đi xuống, nhà đầu tư hoặc là cắt lỗ, hoặc đứng im nhìn giá cổ phiếu đi xuống và chờ cơ hội hồi phục, thì nay với thị trường phái sinh, họ có cơ hội kiếm lời dù chỉ số chứng khoán tăng hay giảm.
Cụ thể, dự báo giá chứng khoán phái sinh giảm, nhà đầu tư mở vị thế bán, khi giá giảm như dự báo, nhà đầu tư mua vào đóng vị thế, hiện thực hóa lợi nhuận (tức bán giá cao, sau đó mua lại với giá thấp, khoản chênh lệch là lợi nhuận của nhà đầu tư).
Ngược lại, dự báo giá chứng khoán phái sinh tăng, nhà đầu tư mở vị thế mua, khi giá tăng như dự báo, nhà đầu tư bán ra đóng vị thế, hiện thực hóa lợi nhuận (tức mua giá thấp, sau đó bán ra với giá cao, khoản chênh lệch là lợi nhuận của nhà đầu tư).
Ngoài ra, với TTCK phái sinh, nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động phòng vệ rủi ro cho tài sản cơ sở (cổ phiếu cơ sở). Khi đó, lỗ từ thị trường cơ sở (nếu có) sẽ được bù đắp bởi lợi nhuận có được từ thị trường phái sinh.
“Trong khi nhà đầu tư tổ chức phải tuân thủ những quy định khá gắt gao về quy trình quản trị rủi ro, nên họ tỏ ra thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư trên TTCK phái sinh, thì ngược lại, mỗi khi thấy cơ hội kiếm lời là nhà đầu tư cá nhân nhanh chân lao vào thị trường và đương nhiên họ chấp nhận rủi ro cao. Điều này giải thích tại sao đến thời điểm này, nhà đầu tư tham gia TTCK phái sinh đa phần là nhà đầu tư cá nhân”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhìn nhận.
Kỳ 2: Nhận diện những điểm nghẽn
Trong quý III/2018 sẽ triển khai hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX
Ngoài ra, HNX sẽ phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) để thống nhất nguyên tắc xây dựng chỉ số VNX200, làm cơ sở triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai trên chỉ số VNX200, cùng với đó là phối hợp hoàn thiện cơ chế giám sát liên thị trường.
TTCK phái sinh Việt Nam phát triển rất nhanh so với thế giới
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC)
Sự phát triển như vậy của TTCK phái sinh Việt Nam là rất nhanh. Điều này, bên cạnh những ý nghĩa tích cực, cũng cần có giải pháp để giúp cho thị trường phát triển tích cực, lành mạnh hơn trong thời gian tới. Bởi hiện tại, nhà đầu tư trên TTCK phái sinh chủ yếu đánh cược với diễn biến của thị trường dựa trên dự đoán về biến động của yếu tố cơ sở (chỉ số VN30…) và sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế.