Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Chứng khoán phái sinh: Giao dịch theo vùng dao động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiến lược giao dịch theo vùng dao động nhiều khả năng sẽ phù hợp hơn chiến lược giao dịch theo xu hướng, dù xu hướng lớn vẫn là tăng điểm.

Bối cảnh chứng khoán quốc tế tích cực

Tuần qua tiếp tục xuất hiện các phiên rung lắc, nhưng về cơ bản, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ duy trì được đà tăng khi dòng tiền vẫn ở lại thị trường. Đáng chú ý, dòng tiền có sự chuyển dịch sang nhóm các cổ phiếu được hưởng lợi sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại như hàng không hay du lịch, trong khi nhóm cổ phiếu chiến thắng thị trường trong năm 2020 đang bị bán ra chốt lời.

Ở châu Á, các chỉ số chứng khoán của Hàn Quốc và Nhật Bản đều hồi phục mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, báo hiệu kết thúc nhịp điều chỉnh. Nhìn chung, bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế vẫn đang tích cực, nên những pha điều chỉnh ở thị trường chứng khoán Việt Nam không đáng lo ngại.

Dòng tiền nước ngoài ồ ạt chảy vào ETF

Vừa có thêm một quỹ đầu tư của Đài Loan là ETF Fubon FTSE Vietnam được thành lập để mô phỏng cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Quỹ đã được chấp thuận huy động vốn từ ngày 24/3/2021. Trước đó, CTBC Vietnam Equity Fund là quỹ đầu tiên của Đài Loan rót vốn vào Việt Nam từ giữa năm ngoái, nhưng đầu tư theo hình thức chủ động.

Lũy kế giá trị mua bán ròng của khối ngoại trên ETF.

Lũy kế giá trị mua bán ròng của khối ngoại trên ETF.

Quỹ ETF Fubon FTSE Vietnam sẽ mô phỏng cổ phiếu của 30 công ty có vốn hóa lớn nhất, nằm trong chỉ số FTSE Frontier Vietnam Index. Theo thông tin ban đầu, Quỹ dự kiến huy động được hơn 8.000 tỷ đồng ngay trước thời điểm IPO ngày 24/3, chủ yếu là của nhà đầu tư ở Đài Loan.

Động thái này thêm một lần nữa cho thấy, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư toàn cầu, tập trung vào kênh ETF. Ngoài ra, các quỹ ETF khác như VNDiamond, VFMVN30 tiếp tục được khối ngoại rót vốn đều đặn.

Khi quan điểm của khối ngoại trên ETF vẫn tích cực, thông qua động thái duy trì đà mua ròng, thì thị trường chứng khoán Việt Nam có “vùng đệm” chắc chắn.

Thay đổi chiến lược

Diễn biến thị trường trong tuần qua kém khả quan khi VN30 không duy trì được mốc 1.200 điểm, dù đã có những thời điểm bứt lên với sự tự tin cao. Việc nhiều lần bứt phá bất thành sẽ dẫn đến hệ quả xấu là nhà đầu tư xuất hiện tâm lý chán nản. Thực tế, các phiên đi xuống vào cuối tuần là hệ quả tất yếu của tâm lý thất vọng đó và điều này có thể làm thay đổi vùng dao động giá mới của thị trường.

Diễn biến VN30F, VN30 và mức chênh lệch giá.

Diễn biến VN30F, VN30 và mức chênh lệch giá.

Về tổng thể của xu hướng lớn, tăng điểm vẫn là xu hướng chủ đạo và cơ hội chỉ số vượt 1.200 điểm duy trì mức cao, nhất là khi vùng đệm tích cực từ thị trường chứng khoán quốc tế cũng như dòng tiền khối ngoại là tích cực.

Trên sàn phái sinh, chiến lược giao dịch trong trung hạn nên là canh mua, nhưng vùng hỗ trợ mới có thể nằm ở khu vực 1.120 - 1.140 điểm. Trong khi đó, kế hoạch canh bán trong ngắn hạn dự kiến sẽ phát huy hiệu quả khi giá hồi phục về khu vực 1.180 - 1.190 điểm.

Chiến lược giao dịch phái sinh nên ưu tiên canh mua.

Chiến lược giao dịch phái sinh nên ưu tiên canh mua.

Chiến lược giao dịch theo vùng dao động nhiều khả năng sẽ phù hợp hơn chiến lược giao dịch theo xu hướng.

Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua

Một tuần giao dịch không thuận lợi khi phái sinh có một pha bull-trap (bẫy tăng giá) ở đỉnh 1.200 điểm và nhịp chùng lại kiểm chứng cũng không thành công khi lực cầu quá mỏng. Theo đó, cắt lỗ vị thế mua quanh khu vực 1.180 điểm (lỗ ở vị thế mua ngắn hạn, còn vị thế mua trung hạn chưa bị thiệt hại).

Vùng dao động mới có thể sẽ được thiết lập với cận trên vẫn là khu vực 1.200 điểm, còn cận dưới sẽ là khu vực giá thấp hơn ở 1.120 - 1.140 điểm - đây sẽ là vùng canh mua phù hợp cho các vị thế trung hạn.

Xét trong ngắn hạn, vị thế bán có thể được cân nhắc ở khu vực 1.180 - 1.190 điểm.

Tin bài liên quan