Yếu tố cơ bản: Nhà đầu tư ngoại quay trở lại
Nếu như các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới như Down Jones, Shanghai, Nikkei 225 có xu thế tăng trong suốt 1 tháng qua thì tính đến tuần vừa qua, VN-Index mới xác nhận thoát khỏi thị trường “con gấu”. Ở một góc nhìn khác, mặc dù thị trường chứng khoán toàn cầu duy trì được sự khởi sắc, nhưng các tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu vẫn thu hút được dòng tiền, đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán còn gập ghềnh.
VN-Index đã thoát khỏi pha giảm mạnh.
Sự trở lại mua ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam là diễn biến đáng chú ý sau chuỗi các phiên bán ròng liên tiếp kể từ sau Tết Nguyên đán.
Sự trở lại của khối ngoại không chỉ là chất xúc tác về mặt niềm tin, mà còn có ảnh hưởng mạnh đến diễn biến các chỉ số.
Cụ thể, trong tuần qua, khối ngoại tập trung mua ròng ở nhóm thực phẩm - đồ uống và ngân hàng, giúp diễn biến giá của 2 nhóm ngành này tiếp tục khởi sắc, là bệ đỡ cho chỉ số chung.
Yếu tố kỹ thuật: Phái sinh lưỡng lự, cơ sở chùng xuống
VN30 đã bứt phá qua được xu hướng giảm, nhưng chỉ số phái sinh vẫn có sự chần chừ nhất định. Tuần qua, phần lớn các chỉ số giao dịch trong biên độ hẹp sau những phiên bùng nổ, đây được xem là diễn biến bình thường về mặt kỹ thuật.
Độ lệch giữa phái sinh và cơ sở được thu hẹp.
Mặc dù chỉ số phái sinh chưa thể bứt phá, nhưng tâm lý giao dịch nhìn chung có sự cải thiện tích cực khi độ lệch giữa phái sinh và cơ sở được thu hẹp, từ hơn 20 điểm về còn chỉ khoảng 7 điểm.
VN30 bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các pha rung lắc, nhưng tâm lý cũng như dòng tiền tham gia vẫn đủ vững để giúp thị trường có được sự ổn định.
Thị trường đang thiếu lực để tiếp tục bứt phá.
Thực tế, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên VN30 duy trì ở mức cao, tuy nhiên, ở góc độ cung - cầu thì dòng tiền mới cuốn vào thị trường không có dấu hiệu tăng thêm, mà thanh khoản cao chủ yếu do sự linh hoạt xoay vòng của dòng tiền đầu cơ. Đây là dấu hiệu cho thấy, thị trường đang thiếu lực để tiếp tục bứt phá.
Đà lan tỏa đang đạt ngưỡng, tức thị trường đang ở trong trạng thái quá mua, trong bối cảnh dòng tiền mới không có dấu hiệu tăng thêm thì sức nóng của đà lan tỏa có thể được xem là rào cản lớn cho các chỉ số trong thời gian tới.
Đà lan tỏa tạo mẫu hình 2 đỉnh.
Dòng tiền vẫn xoay vòng linh hoạt ở các nhóm ngành, các phân bổ trạng thái ở 3 nhóm ngành lớn hợp lý (ngân hàng nằm trong trạng thái tích cực, bất động sản và thực phẩm - đồ uống nằm trong trạng thái trung bình) giúp các chỉ số chung khó chứng kiến sự hoảng loạn, bất chấp những rung lắc từ thị trường quốc tế.
Thị trường vẫn có trụ.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Canh mua trong các pha điều chỉnh
Xu hướng chính đã được xác nhận là tăng, thị trường ghi nhận sự chuyển pha, vấn đề quan trọng được đặt ra vào lúc này là thị trường sẽ tiếp tục bứt phá hay cần có những phiên điều chỉnh lấy đà?
Mặc dù thanh khoản thị trường vẫn cao, nhưng dòng tiền mới chưa có sự gia tăng khi mà nền giá của thị trường (đà lan tỏa) đang được neo ở mức cao. Do đó, chúng tôi đánh giá cao khả năng thị trường chung sẽ có những pha rung lắc với cường độ vừa và nhỏ trong tuần này. Chiến lược được ưu tiên là canh mua trong các pha rung lắc.
VN30F2005 đang có khu vực hỗ trợ 740 - 750 điểm .
Chiến lược giao dịch theo xu hướng được áp dụng trong tuần này với sự ưu tiên dành cho vị thế Mua (Long), đặc biệt trong các pha điều chỉnh về khu vực hỗ trợ 740 - 750 điểm trên chỉ số phái sinh VN30F2005. Nếu giá thủng khu vực hỗ trợ này thì Bán (Short) mới là vị thế được ưu tiên hơn.