Chứng khoán phái sinh: Dòng tiền “thư giãn”

Chứng khoán phái sinh: Dòng tiền “thư giãn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần giao dịch vừa qua mang tính “thư giãn” khi chỉ số tăng điểm, nhưng mức tăng không đủ để thuyết phục dòng tiền lớn tham gia. Mặc dù vậy, tín hiệu tích cực là tâm lý nhà đầu tư có sự cải thiện, dù các chỉ báo kỹ thuật khá mâu thuẫn.

Chứng khoán toàn cầu có diễn biến khả quan

Nhà đầu tư vừa ghi nhận một tuần giao dịch tốt hơn dự báo khi hầu hết các chỉ số chính không bị điều chỉnh giảm mạnh, mà sắc xanh chiếm đa số. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ thì kết quả kinh doanh quý II/2022 trở thành điểm nhấn và tạo động lực vận động cho dòng tiền.

Ngay cả khi kết quả kinh doanh không tốt từ phía doanh nghiệp được công bố, chỉ số chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng cũng không còn phản ứng hoảng loạn. Có thể thấy, tuần qua là tuần giao dịch mang tính “thư giãn” cho dòng tiền sau giai đoạn lo lắng và sợ hãi trong hầu hết thời gian từ đầu năm 2022 đến nay.

Nguyên nhân trực tiếp cho nhịp phục hồi lần này đến từ kỳ vọng mức độ lạm phát có khả năng sẽ được kiềm chế và tín hiệu tăng giá của USD đang yếu dần. Có thể dòng tiền đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không quá mạnh tay tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 26 - 27/7/2022.

Theo phân tích kỹ thuật, hầu hết các chỉ báo tâm lý quan trọng đều cho thấy tỷ lệ lớn nhà đầu tư đang lo ngại thị trường “con gấu” (giảm giá) tiếp diễn, thậm chí vượt ngưỡng cao nhất từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào tháng 3/2020. Mặc dù vậy, khi tâm lý “sợ hãi” bao trùm thì thời điểm này, chiến lược “tham lam” có thể phù hợp.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.

Diễn biến từ các loại tài sản quan trọng ghi nhận sự vận động mạnh đến từ diễn biến giá dầu. Cụ thể, giá dầu thô không còn “đốt nóng” thị trường và gây hiện tượng lạm phát tăng mạnh do chi phí đẩy.

Đồng thời, nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng trước đó là EU cấm nhập khẩu hầu hết dầu tư Nga do cuộc chiến Nga - Ukraine không còn quá bất ngờ với thị trường.

Giá dầu cũng đã phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi phần lớn các thành viên thị trường đều có động thái tích lũy và chuẩn bị trước cho nhu cầu tiêu thụ. Nhưng điểm trừ đến từ việc thị trường hàng hóa có dấu hiệu sụt giảm khi nhu cầu tiêu thụ đang đưa ra các tín hiệu mới về nguy cơ suy thoái trong tương lai gần.

Sự phục hồi của VN30 chưa thuyết phục

Trong khi các chỉ số chính và có sức ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu tăng điểm với thanh khoản cải thiện thì chỉ số chứng khoán trong nước phục hồi kém tích cực. Nói cách khác, mặc dù được hiệu ứng liên thị trường ủng hộ, số điểm tăng từ VN30 trong tuần qua không đủ để thuyết phục dòng tiền mới tham gia, thể hiện qua việc thanh khoản vẫn thấp.

Đồng thời, nhà đầu tư chịu áp lực bán trong phiên cuối tuần, cho thấy tâm lý lo ngại khi nắm giữ các vị thế ngắn hạn vẫn còn. Điều này dẫn đến nguy cơ thị trường điều chỉnh khi quyết định nâng lãi suất từ Fed đưa ra trong tuần giao dịch mới.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.

Đồ thị kỹ thuật VN30 ghi nhận trạng thái phục hồi kết hợp với yếu tố tích lũy lành mạnh. Cụ thể, đồ thị nến kiểm chứng thành công vùng đáy 1.200 điểm với các mẫu hình nến “rút chân”, thể hiện lực mua bắt đáy tiềm năng chờ đợi thời điểm cổ phiếu điều chỉnh để mở lệnh mua.

Thực tế, trong tuần giao dịch có sự kiện đáo hạn hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng gần nhất mà giá vẫn phục hồi cho thấy tâm lý dòng tiền có sự cải thiện. Quan sát này được ủng hộ từ quan điểm động lượng, khi liên tiếp những tuần gần đây, chỉ báo động lượng tạo được nền phân kỳ dương với nền giá.

Nhưng một lần nữa, câu chuyện hụt thanh khoản vẫn khiến thị trường chưa thực sự bùng nổ như kỳ vọng. Có thể, do trải qua giai đoạn điều chỉnh sâu rộng từ đầu năm nên hiện tại, các vị thế giao dịch hạn chế nắm giữ tài sản rủi ro và không mạnh dạn theo sát diễn biến tăng trưởng từ VN30. Điểm trừ này phần nào khiến cho kỳ vọng giá phục hồi lên ngưỡng cao hơn bị cản trở.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Mở vị thế mua khi giá điều chỉnh

Việc hợp đồng chỉ số tương lai tháng 7/2022 đáo hạn khiến đồ thị giá xuất hiện tín hiệu lệch lạc khi hợp đồng mới ráp nối. Cụ thể, VN30F1M ghi nhận mức chênh lệch giá âm hơn 6 điểm so với chỉ số cơ sở, chưa thật sự thể hiện ý chí của dòng tiền. Bên cạnh đó, pha đáo hạn hợp đồng cũng tạo tình huống rủi ro nhất định khi đồ thị xuất hiện mẫu hình nến “rút đầu” tại vùng đỉnh động lượng, góp phần tạo áp lực cho các vị thế mua dài hạn.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.

Nhìn vào đồ thị VN30F1M, vận động giá nhìn chung tuân thủ các vùng hỗ trợ ngắn hạn từ Fibonacci. Nhưng đặc điểm hở “khoảng trống giá” thường xuyên, dư âm từ hợp đồng tháng 7/2022, tạo điểm rủi ro giao dịch khá cao. Điều này loại bỏ rất nhiều vị thế giao dịch ngắn hạn khi không có cơ hội hành động cụ thể với những pha biến động giá đầu phiên.

Ngoài ra, điểm động lượng cũng không mang nhiều tín hiệu khi nằm tại khu vực trung tính. Theo đó, chiến lược tốt nhất là canh phản ứng giá tại các nền hỗ trợ quan trọng từ VN30F1M. Kết hợp với VN30 vận động không rõ xu hướng với nền giá được tích lũy tốt, có thể kỳ vọng các nền hỗ trợ từ VN30F1M sẽ là điểm mở vị thế mua.

Nhà đầu tư có thể canh mở vị thế mua tại 1.220 điểm, hướng đến mục tiêu 1.250 điểm. Tuy nhiên, trường hợp giá thủng nền hỗ trợ này, điểm bán có thể xuất hiện với giá mục tiêu về mức 1.200 điểm.

Tin bài liên quan