Chứng khoán phái sinh: Đang trong vùng quá bán

Chứng khoán phái sinh: Đang trong vùng quá bán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường của những nhà đầu tư “chuyên nghiệp” tiếp tục là điểm nhấn với câu chuyện giao dịch phái sinh hiện tại.

Sự phân kỳ dòng tiền thể hiện rõ trên tài sản đầu tư toàn cầu

Tâm lý dòng tiền yếu tiếp tục trở thành tiêu điểm trong hoạt động giao dịch. Không những vậy, một số nỗi lo về câu chuyện kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước tiếp tục “nén ép” thanh khoản, không tạo được động lực để dòng tiền mới tham gia. Bên cạnh đó, câu chuyện vĩ mô phân kỳ giữa hai thị trường chứng khoán dẫn dắt là Mỹ với chỉ số S&P 500 và thị trường châu Á, với chỉ số Shanghai, càng làm cho nhà đầu tư trở nên “hoang mang” hơn.

Dựa vào đồ thị, có thể nhận ra ngay các tài sản đang phân bố rải rác tại các chu kỳ thị trường khác nhau và điều này thể hiện rõ sự phân kỳ ở góc độ từng thị trường và từng loại tài sản. Với chỉ số VN-Index, sự vận động tiêu cực kéo dài khiến dòng tiền bi quan và thực tế đang là chỉ số yếu nhất lúc này. Nhìn rộng hơn, các tài sản đầu tư khác như vàng và quặng sắt cũng khả quan, cho thấy dòng tiền không có hứng thú với việc đầu tư, mà đang “co cụm” với câu chuyện phòng thủ. Đồng thời, lãi suất trái phiếu duy trì trong trạng thái mạnh nhất thị trường hiện tại. Đây cũng là lời khẳng định cho câu chuyện vĩ mô chưa có điểm sáng của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Vận động không mang xu hướng khi thanh khoản mỏng

Trong rất nhiều giai đoạn đầu tư kể từ khi VN30 được công bố, đây có lẽ là thời điểm vận động giá và rủi ro của chỉ số VN30 duy trì ở mức độ cao nhất cho nhà đầu tư ở tất cả các chiến lược.

Cụ thể, biến động giá “nhiễu loạn” trong suốt 2 tuần liên tiếp với các pha tăng giảm “vượt biên độ” thường thấy. Đồng thời, vận động giá đi cùng thanh khoản mỏng cho thấy, dòng tiền lớn không thật sự tham gia. Thời điểm này, trạng thái giao dịch chỉ liên quan đến dòng tiền cá nhân không mang nhiều định hướng và thường phản ứng thái quá trước những câu chuyện hay tin tức “bất ngờ”.

Hiệu ứng phân kỳ RSI với nền giá vẫn được ghi nhận từ VN30 ngay cả trong thời điểm tiêu cực nhất của phiên cuối tuần qua. Theo đó, VN30 vẫn được ghi nhận trong trạng thái phục hồi kỹ thuật, kể cả việc thành quả của tuần lễ giao dịch gần nhất không đáng kể.

Phân tích chi tiết hơn, xét về mẫu hình đồ thị, giá đã có xuất hiện lực mua bắt đáy tham gia, khi VN30 chạm vào vùng hỗ trợ giá mạnh nhất. Đây cũng chính là điểm giá thấp nhất trong năm nay và là thời điểm RSI cắt ngược lên vùng quá bán trong tháng 10/2022. Nhìn chung, xu hướng giảm vẫn đóng vai trò chủ đạo, nhưng hiện tượng mua bắt đáy xuất hiện đan xen và qua đó tạo tình huống “khó xử” cho các nhà đầu tư theo xu hướng giá. Trên sàn phái sinh, đây tiếp tục là cơ hội cho nhà đầu tư ứng dụng công cụ phái sinh như một chiến lược đầu tư cụ thể.

Chiến lược giao dịch: "Biến động giá tiếp tục mang lợi nhuận cao”

Hiện tại, nhà đầu tư không những cần phải tận dụng các công cụ phân tích kỹ thuật để có thể nhìn ra xu hướng giá, mà còn phải tìm cách quản trị lệnh giao dịch thật sự kỷ luật để bảo vệ thành quả trước các biến động gần như “không kiểm soát” của hợp đồng tháng 11/2022.

Biến động từ thị trường phái sinh đang gần như bám theo câu chuyện của mức vênh (basics) giữa VN30 và VN30F1M, thay vì thuần túy theo thị trường cơ sở. Giải thích cho câu chuyện này, chính mức thanh khoản thấp bên cơ sở đã tạo điều kiện cho phái sinh vận động theo ý chí của vị thế Hedging và điều này luôn tạo áp lực vênh âm cho chỉ số hợp đồng tháng 11/2022. Dòng tiền phái sinh tuân thủ tín hiệu từ RSI khá chặt chẽ. Mức vênh Basis gần như vận động theo chỉ báo khi RSI có tín hiệu phân kỳ dương và phân kỳ âm xuất hiện. Theo đó, với RSI đang ở vùng quá bán, có thể kỳ vọng hợp đồng phái sinh sẽ phục hồi kỹ thuật trong những phiên đầu tuần này. Mức kỳ vọng cho vị thế mua (Long) là 1.015 điểm. Ngược lại, tình huống giá không thể bật được vùng kháng cự 991 điểm, nhà đầu tư nên cân nhắc tiếp tục bán theo xu hướng giá trung hạn.

Tin bài liên quan