Yếu tố cơ bản: Các gói kích thích kinh tế giúp nhiều TTCK khởi sắc
Tuần qua, hầu hết TTCK trên thế giới đồng loạt hồi phục, nhưng TTCK Việt Nam vẫn ảm đạm. Sự trỗi dậy của các chỉ số chứng khoán toàn cầu nhờ những động thái kích thích tài khóa mạnh tay, đặc biệt là các chỉ số ở Mỹ khi ghi nhận mức hồi phục trong 3 phiên mạnh nhất kể từ năm 1931.
Bức tranh luân chuyển của các loại tài sản cho thấy, Shanghai, S&P500 hay Nikkei 225 đều ít nhất đã ghi nhận trạng thái hồi phục hoặc tăng, trong khi các chỉ số ở châu Âu và VN-Index vẫn đang dao động trong pha giảm.
TTCK toàn cầu bắt đầu phân hóa rõ nét.
Về giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, áp lực bán ròng của khối ngoại không còn quyết liệt như các tuần trước đó, đặc biệt là có hiện tượng mua ròng nhẹ trở lại vào 2 phiên cuối tuần. Tuy nhiên, diễn biến trên ETF, tuần qua ghi nhận phiên rút ròng kỷ lục của Quỹ Vaneck kể từ năm 2014 với giá trị bán ròng hơn 200 tỷ đồng chỉ trong một phiên.
Sự chững lại đà bán ròng trên sàn có thể chỉ là hiện tượng kỹ thuật nhất thời, sức ép nhiều khả năng vẫn còn lớn trong thời gian tới, trong xu hướng chung là sự tháo chảy của dòng tiền đầu cơ khỏi các thị trường cận biên và mới nổi đang diễn ra mạnh mẽ.
Yếu tố kỹ thuật: Bên mua rất rón rén
Giữa tuần qua, VN30 có phiên bật tăng trở lại đáng kể nhất kể từ thời điểm sau Tết. Tuy nhiên, nhịp tăng này xuất phát từ hiện tượng tiết cung là chủ yếu, khi bên mua vẫn còn rất “rón rén”.
Độ lệch của phái sinh so với cơ sở bị kéo giãn, âm hơn 27 điểm.
Mặc dù VN30 có sự cải thiện nhất định về mặt điểm số, nhưng tâm lý dòng tiền đầu cơ vẫn tiêu cực, điều này phản ánh rõ qua việc độ lệch của phái sinh so với cơ sở bị kéo giãn trong phiên cuối tuần, âm hơn 27 điểm, tương đương với mức giảm 4,2% của VN30 từ mức giá hiện tại. “Cuộc đấu” tâm lý đang có cán cân nghiêng về bên Bán (Short).
Lực mua còn rất kém.
Diễn biến cung - cầu có không có chuyển biến, cung - cầu đều yếu. Tình trạng này nếu không được cải thiện thì khả năng hồi phục của thị trường vẫn còn mờ mịt. Bên mua đang thiếu niềm tin ở giai đoạn này.
Đà lan tỏa duy trì trạng thái quá bán.
Ðà lan tỏa liên tục ở trong trạng thái quá bán, không có sự cải thiện so với cách đây 2 tuần. Nếu trạng thái quá bán được duy trì, không loại trừ khả năng các chỉ số sẽ tiếp tục đà giảm.
Các trụ vẫn ở trong vùng tiêu cực.
Bức tranh luân chuyển của các trụ cũng không khả quan, thậm chí một vài trụ có diễn biến tiêu cực hơn như MWG hay HPG.
Ở chiều hướng tích cực, đáng chú nhất là sự trỗi dậy của các trụ “họ” Vingroup (VIC, VHM, VRE), nhưng sự trỗi dậy của nhóm này chỉ giúp VN30 bớt xấu hơn, chứ không được dòng tiền đầu cơ trên thị trường phái sinh đánh giá cao.
Nhìn chung, các trụ còn rất kém, những nhịp hồi xuất hiện đơn giản chỉ là nhịp hồi về mặt kỹ thuật. Ở một góc nhìn khác, các cổ phiếu trong VN30 chưa hoàn toàn vào trạng thái quá bán, do vậy sức ép vẫn còn lớn.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Tiếp tục bám theo đà giảm
Xu hướng thị trường đang là giảm, tâm lý vẫn ở trong trạng thái tiêu cực, do đó chiến lược Short (Bán) nên là chiến lược được ưu tiên trong tuần này (30/3 - 3/4). Chiến lược Mua (Long) hiện chưa phải là thời điểm thích hợp khi rủi ro vẫn lớn hơn so với lợi nhuận tiềm năng.
VN30F1M đang có vùng hỗ trợ 590 - 600 điểm, vùng kháng cự 620 - 625 điểm.
Cụ thể, chiến lược Short sẽ được cân nhắc nếu VN30F1M có các nhịp kiểm chứng thất bại khu vực kháng cự 620 - 625 điểm. Trong khi đó, chiến lược Long sẽ tùy cơ ứng biến cân nhắc khi chỉ số tiếp tục có một nhịp giảm về khu vực hỗ trợ tiếp theo là 590 - 600 điểm.