Đa số NĐT trên thị trường hiện nay là cá nhân

Đa số NĐT trên thị trường hiện nay là cá nhân

Chứng khoán phái sinh, có “đất dụng võ” cho nhà đầu tư cá nhân

(ĐTCK) Với định hướng thiết kế sản phẩm chứng khoán phái sinh như hiện tại, các CTCK và giới đầu tư quan ngại sẽ không có “đất dụng võ” cho NĐT cá nhân.

Cơ hội tham gia hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu

Theo định hướng xây dựng sản phẩm mà nhà quản lý, tổ chức thị trường đang triển khai, khi mở cửa TTCK, dự kiến vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, sẽ có hai sản phẩm đầu tiên đưa vào giao dịch là hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.

Với tính chất phức tạp, rủi ro cao, đòi hỏi các đối tượng tham gia phải có năng lực tài chính lớn, quản trị rủi ro tốt, am hiểu sâu đặc tính của các sản phẩm chứng khoán phái sinh, nên nhà quản lý nhắm tới NĐT tổ chức chuyên nghiệp khi triển khai hai sản phẩm trên. Thông lệ quốc tế cũng cho thấy, sản phẩm chứng khoán phái sinh chủ yếu hướng tới NĐT tổ chức chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, theo các CTCK, do NĐT cá nhân trong nước - đối tượng đang chiếm tới khoảng 80% giá trị giao dịch toàn thị trường, nên nếu Sở GDCK Hà Nội (HNX) đưa ra các sản phẩm có tính phức tạp và đòi hỏi quá cao về nhiều tiêu chí, thì NĐT cá nhân khó có cơ hội giao dịch các sản phẩm này.

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo HNX cho biết, trong quá trình thiết kế, xây dựng hai sản phẩm trên, ngoài thường xuyên tham vấn các chuyên gia nước ngoài, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, HNX luôn lắng nghe, tiếp thu các góp ý hợp lý, có tính thực tiễn của các thành viên thị trường.

Bởi vậy, với sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu, HNX đang tham vấn ý kiến các thành viên thị trường, cũng như các bên liên quan để chốt giá trị hợp đồng ở mức vừa phải, nhằm tạo thuận lợi cho các NĐT cá nhân tham gia, chứ không chỉ thu hút NĐT tổ chức.

Tính chất vừa phải ở đây có nghĩa là giá trị hợp đồng không quá nhỏ, tránh dẫn đến bất kỳ NĐT cá nhân nhỏ lẻ nào cũng có thể tham gia, vì như vậy là rủi ro cho chính họ, cũng như thị trường. Bởi lẽ, đối tượng NĐT này có năng lực tài chính và quản lý rủi ro hạn chế, trong thời gian ban đầu chưa dễ am hiểu sâu tính chất phức tạp, rủi ro của sản phẩm này. Đây chính là cách bảo vệ NĐT.

Ngược lại, giá trị của hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu sẽ được thiết kế ở mức không quá lớn, để đảm bảo các NĐT cá nhân có năng lực tài chính và quản trị rủi ro tốt, đầu tư chuyên nghiệp, am hiểu về sản phẩm này tham gia thuận lợi. Qua đó, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường, từng bước đưa sản phẩm phái sinh đến rộng rãi công chúng đầu tư.

“Nếu như hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu hướng khá mạnh đến cả NĐT cá nhân, thì trong định hướng thiết kế hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, vì đặc tính của sản phẩm này, cũng như đa số NĐT trên thị trường sơ cấp trái phiếu chính phủ hiện tại là NĐT tổ chức, nên sản phẩm này chủ yếu hướng đến NĐT tổ chức”, lãnh đạo HNX nói. 

Định hình hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ

Theo hướng thiết kế hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ hiện tại, nhà quản lý cho phép thanh toán cả bằng trái phiếu (chuyển giao vật chất) và bằng tiền. Về việc này, lãnh đạo một CTCK lớn đang niêm yết cho rằng, cho thanh toán cả bằng tiền thì bài toán hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro sẽ trở nên phức tạp hơn.

“Qua làm việc với tư vấn có kinh nghiệm của nước ngoài, họ tỏ ra ngạc nhiên khi Việt Nam cho phép áp dụng cơ chế thanh toán hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ cả bằng trái phiếu và bằng tiền. Bởi lẽ, việc này vừa ít thấy trên thế giới, vừa khiến cho bài toán hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro trở nên phức tạp và tốn kém hơn. Các thị trường phái sinh trên thế giới thường áp dụng cơ chế chuyển giao vật chất, nếu không thì cho phép thanh toán bằng tiền, chứ không pha trộn giữa hai phương thức này”, lãnh đạo CTCK trên nói.

Về vấn đề này, lãnh đạo HNX cho hay, cơ chế thanh toán hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đang được HNX phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các thành viên liên quan hoàn thiện theo hướng tối ưu. Qua nghiên cứu kinh nghiệm nhiều thị trường, Việt Nam sẽ triển khai theo thông lệ quốc tế là áp dụng cơ chế chuyển giao vật chất. Trong những tình huống rất hạn hữu, để đảm bảo tính an toàn cho thị trường, thì mới cho phép thanh toán bằng tiền.       

Tin bài liên quan