Chứng khoán toàn cầu vẫn trong xu hướng tăng
Thị trường chứng khoán thế giới có một phiên giao dịch chao đảo trong tuần qua khi chủng mới của Covid-19 được phát hiện tại Anh và có nguy cơ lây lan ở các quốc gia châu Âu. Ngoài ra, giới đầu tư đón Giáng sinh trong không khi thấp thỏm khi gói kích thích kinh tế trị giá 900 tỷ USD ở Mỹ vẫn đang gặp bế tắc.
Tuy nhiên, các diễn biến này chưa thể khiến thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ, sự hồi phục diễn ra ngay sau đó với sự dồi dào của dòng tiền, giúp mặt bằng chung của thị trường vẫn đang trong xu thế đi lên.
VN-Index tuần qua thuộc nhóm chỉ số có đà tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu, cùng với chỉ số Kospi của Hàn Quốc, Nikkei 225 của Nhật Bản… cho thấy sức đề kháng của thị trường Việt Nam trước những tác động từ bên ngoài ở mức cao.
Điểm tựa từ xu thế đi lên của thị trường chứng khoán thế giới giúp thị trường chứng khoán Việt Nam chịu đựng được các cú sốc về mặt kỹ thuật, hay áp lực chốt lời của dòng tiền đầu cơ ngắn hạn.
Tự doanh tăng mua
Tự doanh công ty chứng khoán mua ròng mạnh trong một số pha rung lắc của thị trường tuần qua. Giá trị mua ròng cả tuần đạt 1.000 tỷ đồng, riêng phiên giảm mạnh ngày 24/12/2020, tự doanh mua các cổ phiếu trong VN30 với giá trị 450 tỷ đồng. Theo đó, hoạt động mua ròng của khối tự doanh kéo dài sang tuần thứ năm liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm 2020, tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 4.800 tỷ đồng.
Giá trị mua bán của khối tự doanh công ty chứng khoán trên VN30 (Đơn vị: triệu đồng). |
Thị trường chung xuất hiện áp lực điều chỉnh nhưng vẫn chứng kiến sự tự tin của dòng tiền lớn, do vậy, xu thế đi lên của thị trường có thể sẽ được ủng hộ.
Thị trường tiếp tục hút dòng tiền
Thị trường chứng khoán đã ghi nhận các phiên rung lắc mạnh kể từ cuối tháng 10 đến nay, nhưng sau đó tiếp tục tiến lên các mức điểm cao hơn. Tuần qua, tình trạng thị trường đi lên trong sự nghi ngờ tái diễn trong bối cảnh mặt bằng nền giá đang neo cao có thể chưa phải là dấu hiệu xấu.
Thậm chí, điều này có thể trở thành một chỉ dẫn tích cực, tiếp tục thu hút dòng tiền đến với kênh đầu tư chứng khoán, nhất là với các nhà đầu tư vẫn còn đang đứng ngoài thị trường hoặc nắm giữ tiền mặt vì sớm chốt lời từ trước.
Thực tế cho thấy, chứng kiến cảnh người người đang thu lời từ chứng khoán khiến tâm lý ngại rủi ro của những người nắm giữ tiền mặt giảm dần và quyết định sẽ tham gia thị trường, tạo lực đẩy cho thị trường tiếp tục tăng.
Các pha rung lắc không khiến nhà đầu tư e ngại, ngược lại còn được coi là cơ hội mua vào, với kỳ vọng xu hướng tăng trung và dài hạn chưa kết thúc.
Diễn biến VN30F1M, VN30 và mức chênh lệch giá. |
Diễn biến giao dịch tuần qua cho thấy điều đó. Giá biến động mạnh và thanh khoản bùng nổ tới mức xảy ra tình cảnh nhà đầu tư “chen lấn” để được khớp lệnh. Khi thị trường đạt tới độ nóng như vậy thì việc hạ nhiệt được xem là cần thiết.
Phiên giảm điểm xuất hiện không thực sự bất ngờ trong bối cảnh nhà nhà, người người tham gia giao dịch đều ít nhiều đang giữ cổ phiếu trong tài khoản, hiện tượng dồn cung lớn có xảy ra bất cứ lúc nào.
Phiên giao dịch ngày 24/12, VN30-Index ghi nhận nhịp lao dốc, giá rơi rất nhanh, nhưng rồi sớm bật tăng trở lại.
Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua
Một tuần giao dịch đầy biến động và nhiều cảm xúc, nhưng thực tế là không có cơ hội giao dịch thực sự đáng tin cậy. Diễn biến ở 3 phiên đầu tuần diễn ra bình thường, thị trường vẫn dìu dắt đi lên, nhưng biên độ điều chỉnh quá hẹp để có thể tìm vị thế mua.
Nhật ký giao dịch VN30F1M tuần qua. |
Phiên giao dịch ngày 24/12 chứng kiến một pha giảm sốc, nhưng cơ hội tận dụng không nhiều vì kế hoạch ban đầu không chuẩn bị cho vị thế bán. Giá phái sinh sau đó đi vào khu vực hỗ trợ 1.030 - 1.040 điểm, quán tính rơi rất nhanh, tạo ra tâm lý “đứng ngoài cho lành”, hạn chế “bắt dao rơi”.
Phiên cuối tuần, dòng tiền quay trở lại nhanh, gần như phủ nhận sự hoảng loạn trước đó. Tuy nhiên, giá tăng quá nhanh, độ tin cậy không cao nên đứng ngoài là an toàn.
Nhìn chung, thị trường trong tuần qua biến động mạnh nhưng không dễ để có được vị thế mua, vì logic đạt được hiệu quả trong thời gian qua đã bị phá vỡ, đây là khoảng lặng cần thiết để tìm chiến lược giao dịch mới khi thị trường dần “sàng lọc” nhà đầu tư.
Vị thế mua trong trung hạn được duy trì vì sự biến động của thị trường chưa vi phạm mức quản trị rủi ro đã xác định trước.
Cẩn trọng hơn trong tuần mới
Hiện tượng biến động giá mạnh đã diễn ra và dự báo sẽ tái diễn nhiều lần trong thời gian tới, nhưng điều quan trọng là diễn biến về mặt tâm lý được phản ánh trên thị trường phái sinh tuần qua vẫn nhất quán theo quan điểm mua, độ lệch (basis) trong những pha “hụt” nhanh không những không thu hẹp lại mà còn bung rộng ra hơn. Khi nhà đầu tư duy trì sự vững vàng về mặt tâm lý thì thị trường chưa tới mức “nguy hiểm”.
Tuy nhiên, chiến lược giao dịch trong ngắn hạn (tầm nhìn trong tuần này) nhiều khả năng không còn đơn giản như các tuần trước, khi nhịp tăng với quán tính điều chỉnh 10 - 15 điểm đã bị phá vỡ, nền giá rộng và lỏng lẻo hơn dẫn đến xác suất thành công thấp hơn. Do đó, kế hoạch canh mua là chờ giá điều chỉnh với mức chiết khấu sâu hơn, tương đương với khu vực hỗ trợ 1.040 - 1.045 điểm.
Chiến lược giao dịch trong trung hạn khả thi vẫn là duy trì quan điểm canh mua. Cú giảm sốc trong tuần qua chưa vi phạm mức quản trị rủi ro và chưa làm thay đổi bức tranh lớn đang trong đà đi lên. Theo đó, mức quản trị rủi ro dời từ 980 điểm lên 1.000 điểm.